● Chuyện Vui Bên Lề Trước Hội Ngộ Cao Thắng 2015 (kỳ 3)
“Ai ơi chớ để ngày mai”
Những gì làm được xắn
tay làm liền
Đáng lý ra tiếp theo
loạt bài “Chuyện Vui Bên Lề Trước Hội
Ngộ Cao Thắng 2015” đăng được hai kỳ thì bài của anh Lê Hiệp đã được giới
thiệu ít nhất cách đây 2 tuần. Nhưng DN bận rộn đi làm, tối về trễ quá, cuối tuần
lại bay về thăm gia đình rồi nên hôm nay mới “có duyên” đọc lại bài của anh Lê
Hiệp (khóa 62-67) và đăng lên cho quý thầy cô & quý thân hữu CT gần xa
thưởng lãm.
Bài này ban đầu anh Lê
Hiệp gởi trong vòng bạn bè “nội bộ” chỉ trên dưới 15 người, sau này được quý anh
thêm tên bạn bè vô rồi bình bàn mỗi ngày trên dưới 10 bài, kéo dài gần 2 tuần
lễ, đọc muốn “chóng mặt” luôn. Hôm nay DN xin trích lại và tune-up thêm một
chút và xin “trình làng” cho quý thân hữu chưa xem được “phát pháo đầu” mở màn
cho phần “đóng góp” bài vỡ cho Đặc San
Hội Ngộ Cao Thắng 2015.
Xin cám ơn anh Lê Hiệp
đã viết từ “đáy lòng” với kỷ niệm “Bán Báo Xuân CT” gần 50 năm rồi:
Người xưa còn nhớ
trong đầu
Dòng đời trôi mãi, nhớ
câu chuyện tình
Báo Xuân năm đó chúng
mình
Trưng Vương trường nữ…
gồng mình qua chơi
Tung tăng áo trắng
khắp nơi
Hút hồn lũ trẻ…mở lời
run…run
Ra quân đi bán Báo Xuân
Thấy con gái đẹp…tần
ngần mặt đơ
Một em gái nhỏ bất ngờ
Hỏi anh Cao Thắng…và
chờ miệng câm
Nào ngờ đối đáp thúy
thâm
Đến nay còn nhớ…thương
thầm…người xưa…
Ngô Đình Duy (San
Diego, Tối 2 Jun 2015)
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
Giai Thoại Ngày Xưa: Trường... Thi Sách!!!
Ai đã qua tuổi học trò
đều không quên cái cảm giác nao nao mỗi khi Xuân về Tết đến. Cái cảm giác này
nó... lạ lắm, cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Trong lớp thì không khí rộn
ràng, bàn tán xôn xao về tổ chức Tất Niên, rồi chương trình Văn Nghệ của lớp, của
trường. Thầy Giám Thị thường ngày... khó đăm đăm, gần Tết cũng thấy vui vẻ hơn, Giáo
Sư các môn cũng dễ dãi hơn, nhiều Thầy còn cho tiền để lớp liên hoan Tất Niên
nữa.
Đặc biệt là... cái vụ
báo Xuân! Không biết bắt đầu từ năm nào, ai đã khởi xướng mà hễ đến Tết là các
trường lớn ở Saigon đều có ra báo Xuân, là cơ hội cho các cây bút học trò trổ
tài văn chương, thi phú. Ai đã có... máu văn nghệ thì biết, có bài được chọn
đăng vào Báo Xuân của trường thì... khoái lắm, người cứ lâng lâng bay bổng như
ở trên mây, mặt thì hiu hiu tự đắc, tưởng như mình là văn hào thi bá nghiêng
trời lệch đất, ngồi cùng chiếu với các bậc... Tùng, Tuy, Siêu, Quát xa xưa!
Có báo Xuân rồi thì
tới cái vụ... bán báo! Vụ này thì... mất nhiều thì giờ và công sức lắm đây, bù
lại thì rất vui và có... đề tài để tôi viết lại giai thoại này, như một hoài
niệm cho những tháng ngày Cao Thắng thân thương.
Mùa Xuân 1967 (niên
khóa 1966 - 1967 ), tôi học lớp Đệ Tam 1 (chung lớp với Hồng Văn Thêm, Tô Minh
Toàn, Nguyễn Văn Minh, Phạm Tấn Chơn, Nguyễn Bình Liêu... ). Cứ ỷ y năm nay
không thi cử, vừa học vừa.... chơi, nên tôi thường tham dự vào các hoạt động...
linh tinh lang tang! Tết năm đó tôi cùng một nhóm 5, 6... em ghi tên đi... bán báo
Xuân, vì em nào cũng có máu... dê nên chọn toàn trường nữ như Gia Long, Trưng
Vương, Lê Văn Duyệt!!! Lúc ghi tên chọn trường, mấy anh lớn (lớp Đệ Nhất, đã
nhiều...kinh nghiệm ) như anh Nguyễn Trung Thành, Trần Thái Hưng, Trần Bá Tài,
Nguyễn Văn Tuấn, Đồng Công Quan... còn thương tình hỏi đi hỏi lại:
- Tụi mày suy nghĩ kỹ
chưa, bán ở mấy trường con gái này... ế lắm đó nghen!
Hehehe, ế hả, tụi tui
đâu cần... có lời, đi cho vui thôi mà, bán không hết đem về trả lại, có gì đâu
mà... hãi!!! Nhờ có bài Sớ Táo Quân và mấy bài thơ đăng trong tờ báo Xuân này,
nên tôi được anh em cử làm trưởng toán, có nhiệm vụ vào Văn Phòng các trường để
xin phép bán báo.
Việc này cũng... quá
dễ, vì trường nào cũng có... phái đoàn qua trường Cao Thắng bán báo rồi,
nên các Cô Hiệu Trưởng, Tổng Giám Thị Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt đều
vui vẻ cho phép. Phải nói thật lòng, ở trường mình hay ở những nơi công cộng,
dân Cao Thắng nghịch ngợm, phá phách như... qủy, ăn nói bạt mạng, coi trời bằng
vung, nhưng khi bước vào những trường toàn là nữ sinh này, trước bao tà áo dài
trắng, đám Cao Thắng đâm ra... khớp, lọng cọng, lúng túng như thợ vụng mất
kim! Gươm lạc giữa rừng hoa mà!!!
Tại sân trường Trưng
Vương, khi anh em đang sắp xếp mấy chồng báo trên bàn, thì có có một tốp... áo
dài trắng 3,4 cô tới, cầm tơ báo Xuân lật lật ra xem. Tụi tôi khấp khởi mừng thầm
vì sắp được... mở hàng, thì một cô (chắc là... lanh lợi nhất đám! ) tự nhiên
hỏi :
- Mấy anh ơi, ông Cao
Thắng này... sống vào thời nào vậy?
Tôi chưa hiểu cô này
muốn gì thì Nguyễn Đức Hải đã nhanh nhẩu trả lời:
- Ông Cao Thắng này...
tài giỏi lắm, theo Phan Đình Phùng đánh Pháp thế kỷ thứ 19!
Cô áo dài trắng trề
môi :
- Thế kỷ 19 thì cũng
gần đây thôi!
Ngừng một chút, cô áo
dài trắng nói rõ từng chữ :
- Vậy Cao Thắng cũng
là... con cháu của Trưng Vương rồi!
Ái chà, cô này... dữ
thiệt! Không biết có phải nhờ... ăn hiền ở lành nên được... ông bà ông vải
độ trì hay không mà lúc đó tôi sáng suốt nhớ ra, tôi cũng trả lời rõ từng chữ :
- Ờ... giống như
trường Trưng Vương có biệt danh là Mê Linh, trường
Cao Thắng cũng có
biệt danh là... Thi Sách đó cô ơi!!!
Cô áo trắng... “Xííí…………íí”
lên một tiếng dài thoàng …, dài hơn tà áo trắng của cô nữa, rồi cả mấy cô quay
lưng bỏ đi, một cô còn quay đầu nhìn lại, le lưỡi, trợn mắt với tụi tui.
Nguyễn Đức Hải khoái
chí đấm vào lưng tôi, rồi cười hể hả.
Thời gian trôi qua mau
quá, mới đó mà đã gần 50 năm rồi, dâu biển đổi thay bao lần! Không biết mấy cô
nữ sinh Trưng Vương nghịch ngợm ngày ấy bây giờ đang ở đâu, cuộc sống ra sao?
Nguyện cầu cho mấy cô mãi mãi được an lành.
Lê Hiệp
CT 62-69
TB: Bài viết này đăng
vào Đặc San Hội Ngộ được không Minh Đào?
No comments:
Post a Comment