Lời giới thiệu: Hội Ngộ Cao
Thắng (HNCT) San Jose 2017 năm nay đặc biệt có phần Báo Tường với chủ đề “Áo Xanh Một Thuở.” Khưu Tiến Hùng, Trưởng Ban Báo Chí, đã hô hào nhiều lần trong các emails, trong
các kỳ họp, nhưng không thấy ai đóng góp gì hết. Gần tới ngày Hội Ngộ đến gần,
KT Hùng lo sốt vó lên cổ. Không ngờ một cây viết trong Nhóm Thân Hữu Cao Thắng
San Jose, trước nay giữ phần làm biên bản “Tường Trình Cuộc Họp” dài 3, 4 trang
giấy ra tay “nghĩa hiệp” viết một bài “Áo Xanh Một Thuở ” và post lên cho Nhóm Thân Hữu Cao Thắng San Jose đọc trước. Anh
chị em trong nhóm ai cũng thở phào nhẹ nhõm, ai cũng chăm chú đọc và viết email
ngợi khen. Không ngờ cô gái có đôi mắt to và đen, ít nói lại có tài “văn chương”
mà ít ai chú ý đến. DN đoán già đoán non, cô này ngày xưa đi học chắc điểm “Luận
Văn” phải cao nhất lớp chẳng phải vừa. Tuần trước DN gọi phone và xin bài của
cô để đăng, hôm nay xin “trình làng” cho Quý Thầy Cô & Quý Thân Hữu Cao
Thắng xa gần đọc tiểu phẩm của cô Hồ Đắc Nữ Ái Liên (lớp CK75E1, Cao
Thắng niên khóa 1975-1979).
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Áo Xanh Một Thuở (tác giả Hồ Đắc Nữ Ái Liên)
Nếu có ai hỏi tôi thích màu gì nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: màu xanh dương đậm, màu áo xanh Cao Thắng. Mà phải là màu áo thời tôi đi học, chứ màu áo Cao Thắng bây
giờ xanh nhạt, giống màu xanh da trời hơn, tôi không thích.
Tôi biết đến tên trường Kỹ Thuật Cao Thắng từ năm... tôi học lớp ba. Số là, cạnh nhà tôi có..."anh hàng xóm", hơn tôi chỉ tám tuổi thôi nhưng lúc nào cũng như là già lắm vậy, mở miệng ra không hề gọi tôi bằng tên cha mẹ đặt cho tôi, mà chỉ biết gọi tôi là "nhóc con". Anh họ Lưu tên Long, học trò Cao Thắng, đi
học toàn mặc nguyên bộ quần áo màu xanh. Mỗi khi gặp tôi, anh thường nói:
- Nhóc con nè, ráng học cho giỏi để thi đậu vào Trưng Vương nhá, anh thưởng!
Dĩ
nhiên, được vào Trưng Vương là niềm mơ ước của rất nhiều nữ sinh thời bấy giờ, nhưng tôi vẫn hỏi: "Tại sao phải vào Trưng Vương mà không vào Cao Thắng giống như anh ?" Anh uỡn ngực, hất mặt lên rất đáng ghét :
- Bởi vì em là con gái, Cao Thắng chỉ nhận toàn con trai. Rồi anh nói thêm,
- Với lại, muốn vào Cao Thắng phải thật giỏi toán, nhóc con học...không
nổi đâu!
Đó là
lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là kỳ thị giới tính. Tôi chẳng dư hơi mất thì giờ tranh luận với anh. Tôi quên nhanh chuyện trường Cao Thắng với màu áo xanh mà ngày đó tôi chưa hề thích, thậm chí còn thấy...ghét
vì cái cách "anh hàng xóm" hất mặt tự hào khoe học giỏi như thách thức tôi, rất đáng ghét.
Tôi mơ màng tưởng tượng nếu tôi đậu vào Trưng Vương, sẽ đòi anh thưởng tôi món gì ? Chắc chắn phải là chiếc bút máy hiệu
Pilot mà thỉnh thoảng tôi
vẫn mượn bà chị tôi, viết thật êm, không cần phải chấm ngòi bút lá tre vào bình mực dễ làm dơ ngón tay cầm bút, rồi lại còn dễ bị vấy mực vào tập nữa. Không biết có phải vì lời thách thức của anh không mà sau đó tôi bắt đầu chú ý vào môn Toán nhiều hơn.
Hai
năm sau, gia đình tôi dọn nhà đi nơi khác. Chúng tôi mất liên
lạc từ đó. Thời gian trôi qua, biến cố tháng tư đến với tất cả chúng ta. Hoang mang, lo lắng, sợ sệt hiện rõ trên nét mặt của ba má tôi. Tương lai mịt mờ, vô định.
Trong
một dịp tình cờ đọc báo, tôi thấy tin trường Cao Thắng đang tuyển sinh. Mà sao lạ, cả nam lẫn nữ đều có thể nộp đơn thi. Lúc đó, tôi vừa học xong lớp chín Trưng Vương, đang nghỉ hè. Một thoáng nhớ lời thách thức năm xưa, tôi muốn thử sức mình, nộp đơn đi thi.
Tôi giấu ba má, bạn bè...vì sợ lỡ thi rớt thì ê mặt. Khi đi thi, tôi
không hề nghĩ đến chuyện sẽ học trường mới nếu thi đậu. Vậy mà rồi tôi đậu. Tôi vui, nhưng không nhiều lắm, mà chỉ thấy hả hê khi nhớ lời khiêu khích của anh hàng xóm năm xưa. Tôi
báo cho mọi người biết tin vui.
Chuyện rắc rối bắt đầu khi tới thời hạn tôi phải làm thủ tục nhập học trường mới, cùng thời gian tôi trở về trường cũ để học tiếp lên lớp mười. Thời gian này cũng cùng với thời gian xảy ra nhiều chuyện biến động trong xã hội. Người ta rỉ tai nhau chuyện vượt biên: "Một là
con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá".
Rồi chuyện kiểm kê tư sản mại bản, giấy gọi đi vùng kinh tế mới. Ba tôi có một tiệm may, gần ngã ba đường Hai bà Trưng và
Yên Đỗ, cũng bị kiểm kê hai lần. Mỗi lần, họ "đóng chốt"
trong nhà một tuần lễ, đo từng mét vải, đếm từng cuộn chỉ...để sau đó họ mang đi hết, gọi là làm "tang chứng".
Nhà có 4 bàn máy may hiệu Singer cũng bị "sung" vào hợp tác
xã may mặc của phường. Ba má tôi trở thành
công nhân thợ may ăn lương từ hợp tác xã.
Chưa xong, nhà nhận
thêm, dồn dập, các "giấy mời” đi xây dựng “vùng kinh tế mới". Cả nhà buồn, lo lắng cùng cực. Bỗng dưng một ngày, má tôi đi làm về và bảo:
- Con
à, má nghe cô "cán bộ" trong hợp tác xã nói nếu con
học Cao Thắng thì gia đình mình sẽ được tiếp tục ở lại Saigon .
Cô ấy bảo chỉ có trường Cao Thắng mới có được "qui chế"
này.
- Không,
má ơi. Con thi thử thôi
mà. Con không học Cao Thắng đâu. Con thích học Trưng Vương hơn. Tôi trả lời.
Tôi như mang gánh nặng
ngàn cân, như thể nếu gia đình phải đi
kinh tế mới thì đó là lỗi do tôi vậy. Ba tôi im lặng. Má tôi ra sức dỗ dành tôi, nào là..., nào là... Suốt tuần lễ, tôi ăn không ngon ngủ không
yên, vì không sao lựa chọn được cho mình ngã rẽ tương lai định mệnh này. Cuối cùng, tôi đã bị thuyết phục. Tôi chịu không nổi áp lực, nếu vì tôi bỏ qua "cơ hội" này, gia đình tôi sẽ bị mất nhà, đi khai hoang ở nơi gọi là “vùng kinh tế mới” nào đó mà ai nghe qua cũng sợ.
Má tôi
nói đúng, cô "cán bộ" nói đúng. Từ khi nộp cho họ bản sao thẻ học sinh có đóng dấu trường Cao Thắng, gia đình tôi không còn bị
"mời gọi" chuyện đi kinh tế mới nữa, mà đuợc tiếp tục ở yên trong căn nhà của mình cho đến khi
đi Mỹ sau này. Thôi thì, tại thời thế, thế thời phải thế.
Ngày
tôi thông báo với Thầy cô và bạn bè Trưng Vương về quyết định rời trường bỏ lớp một cách tức tưởi này, các bạn đã ôm tôi khóc như mưa.
Năm đầu học Cao Thắng, tôi và vài bạn nữ trong lớp vẫn mặc áo dài trắng đi học. Sang năm thứ hai, bắt đầu xen kẻ các lớp lý thuyết và thực tập tại các xưởng, chúng tôi mới bắt đầu mặc đồng phục áo xanh. Từ từ, chúng tôi đi qua khắp các xưởng, từ máy dụng cụ, đến kỹ nghệ sắt, rồi mẫu đúc,... và cả thực tập ngắn hạn tại các xí nghiệp lân
cận. Điểm trung bình hàng tháng của tôi
bắt đầu rơi tự do khi cộng thêm vào các điểm xưởng. Làm sao bọn con gái chúng tôi cạnh
tranh lại được con trai cùng lớp ở những bài làm tại xưởng? Các anh galant vốn sẵn tính trời, không bỏ lỡ cơ hội ra tay giúp các người đẹp, làm các bài tập để đủ điểm sống còn.
Đêm về, tôi bị những cơn ác mộng hành hạ...khi thì
"quai" búa tạ, thổi lửa lò rèn...ở phân xưởng Kỹ Nghệ Sắt, lúc thì bị
"phoi" từ máy tiện bắn suýt nữa vào mắt, rồi chuyện không siết nổi chiếc "êtô", đinh ốc...là
những chuyện xảy ra gần như ăn cơm bữa.
Tôi vẫn chưa thấy thích màu xanh, mà chỉ cho
đây là màu áo tiện lợi khi xuống xưởng thực tập dính đầy dầu mỡ, cho khỏi nhìn thấy dơ, thế thôi.
Mãi đến khi sắp ra trường, bắt đầu làm các đồ án tốt nghiệp, khi đã quen mắt với màu áo mặc đi học mỗi ngày, tôi mới bắt đầu thấy thích màu áo xanh Cao Thắng. Thế mới biết, người ta thường chỉ biết quý những gì đã mất, hoặc sắp vuột khỏi tầm tay. Rồi từ lúc nào không rõ, mỗi khi mua sắm, sau khi chọn được kiểu áo ưng ý, đến lúc chọn màu, tôi thường chọn màu xanh dù không cố ý.
Thấm thoát, thời gian cứ trôi...Đời người biến đổi qua bao thăng trầm của cuộc sống. Rồi tôi được giới thiệu, tham gia vào nhóm Cựu Học Sinh Cao Thắng tại San Jose, sinh hoạt qua
các lần họp mặt, tổ chức các Hội ngộ lớn qui tụ nhiều cựu học sinh Cao Thắng khắp nơi trên thế giới. Giờ đây, khi được mặc lại màu áo xanh thuở nào,
sẽ được đứng cùng các anh chị đồng môn hát vang bài "Hùng Ca Cao Thắng" trong ngày Hội Ngộ Cao Thắng 2017 tại San Jose sắp tới đây, tôi cảm thấy lòng lâng lâng một niềm vui khó tả.
"Chúng ta là học sinh Cao Thắng,
sánh vai nhau chung sức với đời. Quyết tâm làm Việt Nam
tân tiến, xứng danh là dòng dõi Rồng Tiên"
(Trích hai câu cuối, bài "Hùng ca Cao Thắng" của anh Vũ Duy CT 62-69)
Cho
nên, bây giờ, nếu một lần nữa được hỏi, tôi thích màu nào nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay là màu xanh, màu xanh
Cao Thắng, "Áo Xanh Một Thuở", của nhiều thế hệ cựu học sinh Cao Thắng chúng tôi.
Hồ Đắc Nữ Ái
LiênLớp CK75E1 (Cao Thắng, niên khóa 1975-1979)
Ái Liên chụp chung với chị Tuyết Đoàn, bà xã
của anh Hồng Văn Thêm tại Đêm Hội Ngộ Cao Thắng San Jose (Chủ Nhật 28 May
2017). Photo by Ngô Đình Học.
|
Ái Liên chụp chung với anh bạn trai Đoàn Viết Cường trong Nhóm Cao Thắng San Jose trong Đêm Hội Ngộ Cao Thắng
|
Ái Liên cùng Nhóm Thân Hữu Cao Thắng San
Jose lên trình diễn bài “Hùng Ca Cao Thắng” trong Đêm Hội Ngộ Cao Thắng
|
Nhóm Thân Hữu
Cao Thắng
|
Ái Liên chụp chung với anh chị Hồng Văn
Thêm, đến từ San Diego, CA (cách San Jose 8 giờ xe hơi) trong Đêm Hội Ngộ Cao
Thắng San Jose (Chủ Nhật 28 May 2017), (Photo by Ngô Đình Học).
|
Ái Liên chụp chung với anh bạn trai Đoàn Viết Cường trong Nhóm Cao Thắng San Jose trong Đêm Hội Ngộ Cao Thắng
|
Paris, ngày 7-6-2017
ReplyDeleteHoàng cảm ơn anh Ngô Đình Duy cho biết tin tức về Ngày Hội ngộ CaoThắng (28/5/2017) tại San Jose.
Hoàng có đọc bài viết " Áo Xanh Một Thuở" của bà Hồ Đắc Nữ Ái Liên :
bài viết thật hay !
===> Hoàng cho thêm link site anh Duy và bài hát ca khúc "Hùng Ca Cao Thắng" vào site Hoàng :
https://canhsatdachien.wordpress.com/mot-doi-trai-sai-gon/
“ Nhỏ không học, lớn lên làm Cảnh Sát Dã Chiến ”
Hoàng (Ba Xe Be)
TH KT CAO-THẮNG 8T3 > 9T3 > 10T1