Welcome to my blog

Welcome to my blog, please enjoy...



Monday, January 7, 2013

● Gặp Gỡ Cuối Năm: Gặp Anh Nguyễn Công Khanh & Hồ Xuân Yên tại San Jose on 28 Dec 2012

Gặp Gỡ Cuối Năm và Ôn Lại Những Kỷ Niệm Xưa: Gặp Anh Nguyễn Công Khanh & Hồ Xuân Yên tại San Jose

Cuối năm 2012 vừa rồi tôi được nghỉ một tuần lễ không lương trong tuần lễ Christmas. Đi làm cả năm trời được nghỉ ngơi, dành thời giờ cho gia đình cũng có nhiều điều thú vị, nhất là được gần gũi và chơi với các con nhỏ. Thời tiết cuối năm, nhân Mùa Giáng Sinh tại Bắc Cali nhiều mưa bão (winter storms), bầu trời ảm đạm, có ngày chẳng thấy mặt trời đâu cả. May mà có gia đình bên cạnh, nếu ở độc thân nhìn “trời sầu mây thảm” chắc buồn thối ruột mất. Được nghỉ ở nhà, lại gặp trời mưa bão, thêm rét lạnh nên sáng nào tôi cũng nằm nướng đến sau 11:00AM mới thức dậy. Sáng thứ sáu 28 Dec 2012, tôi bị thức dậy bởi những tiếng reng của cell phone rồi thêm phone nhà. Thức dậy thì được nghe giọng anh Học mời đi ra nhà hàng Vũng Tàu tại Downtown San Jose để gặp anh Nguyễn Công Khanh và anh Hồ Xuân Yên (click here to read more "Tìm Được Bạn Xưa của Anh Cao Thanh Cao") của lớp 12T5 (niên khóa 1974-1975) là những người bạn đồng cấp lớp với anh Ngô Đình Học tại Cao Thắng.

From left to right: Ngô Đình Duy, Ngô Đình Diện, Hồ Xuân Yên, Nguyễn Công Khanh, Ngô Đình Học tại Nhà Hàng Vũng Tàu (San Jose, CA) trưa Thứ Sáu 28 Dec 2012. 



Nhận được messages của anh Học tôi lo gọi lại để confirm (xác nhận) là mình sẽ đi gặp ở nhà hàng Vũng Tàu. Đối với gia đình tôi, anh Khanh là chỗ quen thân, vì trước năm 1975, cả gia đình tôi đều biết đến anh Khanh sau khi đội “Đố Vui Để Học” trường Kỹ Thuật Cao Thắng đánh bại đội Trần Lục vào dịp Tết Năm Giáp Dần 1974. Ngày xưa cả gia đình tôi sau nhiều đợt tản cư vô Saigon từ năm 1967 đã ở xóm lao động hẽm 103 đường Trần Quang Diệu, Quận 3, Thủ Đô Saigon. Mỗi tuần anh chị em tôi chỉ được phép coi cải lương đêm Thứ Sáu và chương trình “Đố Vui Để Học” chiều Chủ Nhật. Coi truyền hình chỉ là coi ké trên nhà Bác Tư Đèn phía trước nhà tôi, hay bên nhà Bác Tư Em nằm ngay dưới đồi gần chùa Sư Nữ Thích Ca Tự, hay nhà Ông Năm Nhà Lầu (nhà có 3 tầng lầu) nằm ngó ra đường lớn của cư xá Trần Quang Diệu. Nhà Bác Tư Em luôn mở rộng cửa để đón tiếp tất cả những đứa trẻ “xem ké” truyền hình trong xóm. Lúc đó máy truyền hình là món xa xỉ phẩm đâu phải nhà nào cũng có. Sau khi coi chương trình “Đố Vui Để Học” nhiều lần, anh Học về nhà có nói chuyện trong bữa cơm tối là sao các câu hỏi vị điều khiển chương trình hỏi các thí sinh sao dễ ăn quá. Mẹ tôi nghe anh Học nói như vậy nên bàn “Dễ ăn, sao con không nộp đơn xin thi thử coi, nếu thắng lớn rinh giải về nhà thử xem?” Có lẻ nghe mẹ tôi bàn nên anh Học vô lớp bàn bạc lập đội thi đấu với nhau.

Khi vô trường Cao Thắng, anh Học bàn bạc với anh Nguyễn Anh Quốc và Lê Chơn Tâm cùng học lớp 11T2 để lập đội thi đấu với đội lớp 11T5 do anh Khanh làm trưởng lớp. Lúc đó lớp 11T5 có nhiều người học rất xuất sắc như anh Nguyễn Công Khanh, Trần Quốc Hùng, Phan Văn Thắng (?), Hoàng Anh Tuyển (con trai thầy Hoàng Tùy, dạy Quốc Văn tại Cao Thắng) và một số người nữa tôi không nhớ tên hết. Khi anh Học, anh Quốc, anh Khanh lên Trung Tâm Học Liệu (đường Trần Bình Trọng, Quận 5) để nộp đơn thì tại đây họ khuyên hai đội cùng trường nên sát nhập lại thành một đội để thi đấu với đội trường khác. Các anh đồng ý và thảo luận đội Cao Thắng gồm có các thành viên chánh thức như: Nguyễn Công Khanh, Ngô Đình Học và Nguyễn Anh Quốc. Đội dự bị có các anh như Lê Chơn Tâm, Trần Quốc Hùng và Hoàng Anh Tuyển. Rồi các anh về nhà chia nhau soạn bài, soạn câu hỏi tập dợt chờ đợi ngày “mang chuông đi đánh xứ người.”

Ngày đi thi “Đố Vui Để Học,” các anh tự động lái xe đến Trung Tâm Học Liệu để được quay. Lúc đó anh Học rất nghiêm, phải chi tôi biết thì “năn nỉ ỉ ôi” xin đi ké để ủng hộ đội nhà và bây giờ tôi có thể viết lại chắc chắn sinh động hơn. Sau khi thi về, khuôn mặt anh Học tươi vui rạng rỡ như “ôm được hủ vàng” về nhà, rồi khoe “Con trả lời được tất cả cá câu hỏi hết rồi mẹ ơi, khoảng một vài tuần nữa cả nhà mình sẽ được xem.” Thời gian chờ đợi một vài tuần lễ rất lâu tưởng chừng như cả mấy năm. Khi được biết chương trình “Đố Vui Để Học” có đội trường Cao Thắng tham gia thì cả gia đình tôi lên nhà bác Tư Đèn để xem như thế nào. Anh chị em chúng tôi ngồi im thin thít dán mắt vào màn hình để xem “nhất cử nhất động” của hai đội. Mấy đứa trẻ cùng xóm ngày thường năng động ngồi xem TV mà tay chân chẳng yên, hôm đó không biết sao đối với chúng có một cái gì có quan trọng hơn, lần đầu được xem anh Học trong xóm lao động “lên TV.” Tôi chăm chú theo dõi như chính mình là người tham dự trong cuộc.

Lúc đó tôi rất nể đội gà nhà “Cao Thắng” vì thấy ông thầy giám khảo vừa đọc xong câu hỏi, chưa đầy nửa giây sau là bàn đội Cao Thắng bấm chuông làm cho đội bạn không kịp trở tay kịp. Môn Sử Địa hình như được giao cho anh Học “nghiên cứu” là môn học dàn trải rộng. Những sự kiện lịch sử, cái khó là làm sao nhớ được ngày tháng năm xảy ra sự kiện. Như các bạn đã biết đất Việt Nam mình luôn luôn bị nạn binh đao, loạn lạc đâu có lúc nào được yên thân hòa bình dài lâu đâu, đủ thứ chuyện xảy ra. Vậy mà tôi thấy anh Học nhanh nhẩu bấm chuông trả lời tất cả những câu hỏi về Sử Địa. Có thể lúc đó tôi chưa học về Toán Lý Hóa & Sinh Vật lớp 10, lớp 11 nên tôi không nhớ các câu hỏi của vị giám khảo. Những đứa trẻ trong xóm lao động sau khi xem xong chương trình “Đố Vui Để Học” thì đều há hốc mồm “tâm phục, khẩu phục” nể anh Học làm tôi cũng được hưởng ké “vinh dự” đó. Sau đó thì trong xóm bao nhiêu đứa trẻ khác đều phục lăn “sát đất” không còn hăm he chận đánh và ăn hiếp anh em chúng tôi nữa. Các phụ huynh trong hẽm 103 cho tới các gia đình công chức Việt Nam Cộng Hòa tại Cư Xá Trần Quang Diệu Quận 3 đều biết danh anh Học từ đó.

Sau khi thi “Đố Vui Để Học” phần thưởng của đội thắng giải mang về rất nhiều phần thưởng có giá trị. Năm vừa rồi (2012) tình cờ tôi gặp lại thầy Nhữ Đình Hùng trên internet, qua email, tôi nhắc lại cho thầy Hùng nghe là Tết Năm 1974 anh Học, anh Quốc và một số học trò “Đội Đố Vui Để Học” có đến nhà thầy thăm và kể chuyện vui về kết quả. Thầy Nhữ Đình Hùng có trí nhớ rất tốt, đúng là thầy dạy “Sử Địa” có khác, trí nhớ “siêu việt” nhắc lại cho tôi biết là các học sinh CT sau khi thi xong với kết quả mỹ mãn là lại nhà thầy thăm chơi và kể chuyện về từng câu hỏi, câu trả lời làm cho đối phương không có cơ hội gỡ gạc. Không khí kể lại câu chuyện, nhất là giọng Bắc của anh Nguyễn Anh Quốc rất sôi nổi. Men say chiến thắng qua cuộc thi “Đố Vui Để Học” làm cho buổi gặp gỡ tại nhà thầy Nhữ Đình Hùng làm tôi nhớ mãi. Sau kết quả đó, tôi không biết là các anh có định nộp đơn thi tiếp phần “Đố Vui Để Học” dành cho cấp lớp 12 không? Theo tôi nghĩ đúng ra lúc đó, nương theo chiến thắng các anh nên ghi danh xin thi tiếp môn “Đố Vui Để Học” cấp lớp 12. Nếu như ngày ấy, tôi lớn khôn hơn và mạnh dạn hơn thì xin đề nghị thầy Nhữ Đình Hùng đề nghị thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Hồng Lam nên vinh danh các em học trò chiến thắng “Đố Vui Để Học” đã góp một phần nhỏ làm rạng danh cho trường Cao Thắng, và khuyến khích các cấp lớp khác dự thi để mang vinh dự về trường. Hôm nay tôi viết về cuộc gặp gỡ cuối năm, nhưng ký ức biết anh Nguyễn Công Khanh qua cuộc “Đố Vui Để Học” để các bạn biết anh Khanh cũng là một key player (con bài chủ) trong cuộc thi.

Sau 30/4/1975 các học sinh Cao Thắng trở lại trường học tập một thời gian ngắn. Các anh học sinh lớp 12 thi “Tốt Nghiệp Phổ Thông.” Rồi đường đời mỗi người một ngã rẽ. Anh Nguyễn Công Khanh thi đậu vào Khoa Điện trường Đại Học Bách Khoa Phú Thọ, anh Ngô Đình Học thi đậu vào Khoa Cơ Khí. Anh Khanh và anh Học vẫn còn liên lạc với nhau. Còn tôi ở lại Cao Thắng học thêm lớp 11T1 do thầy Vũ Như Hoằng làm giáo viên chủ nhiệm. Sau 30/4 tất cả từ “giáo sư” dành cho các thầy cô dạy Trung Học đều bị đổi thành “giáo viên” và “giáo sư hướng dẫn” đổi thành “giáo viên chủ nhiệm.” Cuối tháng 6/1976 tất cả Ban Kỹ Thuật Toán đều giải thể, tôi làm đơn xin ra phổ thông để học tiếp lớp 12 Ban Toán. Số tôi cũng được may mắn thi đậu vào trường Đại Học Bách Khoa. Tôi nộp đơn vào Khoa Điện Tử, tổng cộng thí sinh có 2500 học sinh chỉ chọn 50. Bị “Tử” và chuyển sang khoa Xây Dựng làm tôi buồn “đứt ruột” coi như cuộc đời bị chuyển hướng 180o. Số tôi lận đận, lần nào đi thi cũng bị ốm đau, sốt cao vì chứng “viêm họng” hành hạ, nên làm bài không được hoàn hảo. Năm tôi đi thi vô Đại Học Bách Khoa 7/1977, sáng hôm đó tôi bị sốt cao tới 40oC, đầu nhức như búa bổ, choáng váng xây xẩm mặt mày. Tôi cố gắng đi thi, nếu đầu hàng là giấy tờ đi “nghĩa vụ quân sự” đã bị tống về nhà chờ sẵn ngày “lên đường” lên quân trường Quang Trung một thời gian ngắn rồi bị đẩy sang biên giới Tây Nam chiến đấu. Buổi sáng thi môn Toán, tôi không tỉnh táo nên bị “gãy” ở đồ thị toán. Chiều hôm đó thi ở trường Đồng Tiến, trường của Vũ Thị Kim Loan học trước khi vào Cao Thắng, tôi lại lắc lư vì bài toán Vật Lý với con lắc “lắc không giống ai.” Qua ngày hôm sau tôi làm môn Hóa Học hoàn chỉnh. Về nhà tôi rất buồn vì bài thi không hoàn chỉnh nhất là môn Toán. Tôi cứ đinh đinh là kỳ thi Đại Học coi như hết phương cứu chữa vì “sai một ly, đi một dặm.” Sau đó vài tuần thì tôi đi thi thêm Trung Học Ngoại Thương, lúc này tôi đã khỏe mạnh hoàn toàn. Ngày đó tôi chọn Trung Học Ngoại Thương vì nghĩ rằng Ngoại Thương là có dịp được tiếp xúc với nước ngoài, có dịp được đi ra nước ngoài, sẵn dịp “chuồn” luôn. Kết quả Trung Học Ngoại Thương tôi được điểm tối đa 30/30. Khi được kết quả hai trường tôi phân vân không biết chọn trường nào: Bên Đại Học Bách Khoa thì tôi được chuyển sang Khoa Xây Dựng, bên Trung Học Ngoại Thương thì mình đạt điểm cao nhất. Cuối cùng gia đình khuyên tôi nên chọn Đại Học Bách Khoa, dù sao thì ra trường với mãnh bằng “kỹ sư” oai hơn “cán sự” trường Trung Học Ngoại Thương. Học được ở Khoa Xây Dựng gần hai năm, tôi bỏ đi “vượt biên” cuối cùng thất bại. Năm 1980 tôi bỏ Đại Học Bách Khoa, ở nhà đi học “Tử Vi” với thầy Vũ Như  Hoằng, chờ dịp thuận lợi vượt biên tiếp cho đến khi nào đi được mới thôi.

Bảy năm sau, vào 8 Jan 1987 (cách đây đúng 26 năm) tôi chưa lập gia đình nên được “đi ké” theo gia đình theo diện ODP do anh Học bảo lãnh cha mẹ và anh chị em tôi. Tôi và ba cô em gái đi qua Phi Luật Tân, sau khi ở chung với bố mẹ và chị tôi tại Bangkok Transit Center gần một tuần lễ. Ngày 14 Jan 1987, bốn anh em tôi bay từ Bangkok sang Manila để vào trại tỵ nạn Bataan, Morong, Philippines. Trong thời gian 6 tháng ở Phi, tôi và các em được học Anh Văn (ESL, English as Second Language) và Văn Hóa Mỹ (CO, Culture Orientation). Ngày 14 July 1987 (Quốc Khánh Pháp), bốn anh em chúng tôi bay qua Mỹ đoàn tụ cùng bố mẹ và anh chị em tôi sống ở Mountain View, California. Sau vài tuần sang Mỹ, gia đình tôi có làm bữa tiệc thân mật và có mời vợ chồng anh Nguyễn Công Khanh và chị Ngọc Anh cũng như anh Thắng Phan và vợ là chị Đào. Như vậy mối dây liên lạc của gia đình tôi và anh Khanh cũng như anh Thắng vẫn còn. Anh Nguyễn Công Khanh đã đến dự và chúc mừng gia đình chúng tôi đoàn tụ và anh tặng riêng cho gia đình tôi một số tiền để làm quà “làm lại cuộc đời” ở đất Mỹ này. Lúc tôi qua Mỹ năm 1987, thì anh Khanh và người anh ruột của ảnh là anh Nguyễn Công Chánh đã thành công trên thương trường ở Mỹ về furniture. Hai anh em điều khiển hệ thống “C&K United Furniture” ở vùng Bay Area này. Cái quý là khi giàu sang anh vẫn còn nhớ tới gia đình bạn cũ và giúp đỡ những người “chân ướt chân ráo” như anh em chúng tôi mới đến Mỹ, cái gì cũng thấy lạ. Khi gặp lại anh Khanh tôi có complained với anh là “Duy qua Mỹ trễ 12 năm, thua xa tất cả mọi người, nhất là bị anh Học bỏ quá xa. Ở VN Duy chỉ thua anh Học có hai năm học.” Anh Khanh cũng an ủi lại tôi “Em qua đây trễ vẫn còn may mắn hơn cả chục triệu người còn kẹt ở VN.” Rồi anh tiếp “Duy ơi, em đừng nghĩ rằng em thua anh Học có 2 năm học. Anh có thể nói em thua anh Học cả 20 năm hay 100 năm mới đúng. Anh Học học cùng cấp lớp với anh nhưng bây giờ trình độ anh Học của em là giáo sư dạy Đại Học ở Mỹ, đầu óc của anh suy nghĩ như những khoa học gia nổi tiếng, tụi anh đây còn bái phục Học huống chi là em mới qua.” Lúc đó tôi mới biết “vàng thật” và “vàng giả” ra sao và mới biết mình rất may mắn có người anh xuất sắc trong nhà. Từ đó tất cả những lời khuyên (advice) của anh Học về học hành tại Mỹ tôi đều nghe theo 100% vì tôi không muốn phí phạm thêm thời gian đánh mất từ 1975 cho tới 1987 là 12 năm chẳng làm được tích sự gì vì sống ở VN lúc nào cũng lo “xếp hàng dài” chầu chực mua thực phẩm lo cho cái bao tử thôi.

Hôm 28 Dec 2012 vừa qua là sau hơn 25 năm tôi mới gặp lại anh Nguyễn Công Khanh. Khi lái xe vô parking của nhà hàng Vũng Tàu từ xa tôi thấy mái đầu bạc và dáng dấp cao của anh. Đúng là cuộc sống ở Mỹ quá bận rộn, ai cũng có công việc của người đó. Gặp gỡ lại người bạn, bạn bè của anh mình là cả một duyên lớn. Từ lâu tôi cũng muốn gặp lại anh Khanh nhưng chưa có dịp. Tuần lễ Giáng Sinh ở nhà nghỉ, tôi có dịp ghé xuống nhà anh Học thăm chơi thì được anh Học cho biết anh Nguyễn Công Khanh có nhã ý mời anh em chúng tôi đi ăn lunch vì anh biết tôi qua bài viết về thầy Lê Văn Vượng mới đây trên trang blog. Năm lớp 12 anh Khanh không học Vật Lý chung với thầy Vượng, nhưng đọc bài của tôi anh quý cái tình của tôi đối với thầy cũ ở Cao Thắng. Khi vô nhà hàng Vũng Tàu, anh Khanh giới thiệu với tôi về người bạn của anh “Đây là anh Yên, học chung lớp với anh đang sống ở Utah.” Khi nghe anh Khanh nói tới anh Yên trong đầu tôi đã nghĩ đến “anh Hồ Xuân Yên,” bạn ở trại tỵ nạn Songkhla của anh Cao Thanh Cao mà trong năm 2012 các bạn có dịp đã đọc trên trang blog này chuyện gặp gỡ, nhận ra bạn bè thất lạc. Tôi bắt tay chào hỏi anh Yên và hai anh em thấy như là đã thân nhau từ lâu, mặc dù chưa có một ngày nào gặp gỡ cả. Chỉ qua bài tìm lại bạn bè tôi có dịp email thơ từ với anh Trần Quốc Hùng (12T5, nk 74-75), anh Hồ Xuân Yên (12T5, nk 74-75) và anh Cao Thanh Cao (12T2, nk 74-75) mà tình thân như đã có từ lâu.

Anh Khanh hỏi thăm tôi và anh Học cũng như em ruột tôi, Ngô Đình Diện bao giờ sẽ đến rồi anh chọn bàn để ngồi trò chuyện. Tôi xin mở ngoặc một chút về cậu em trai Ngô Đình Diện. Diện vượt biên Tết Năm Tân Dậu 1981, qua Thái Lan và ở trại tỵ nạn hơn 2 năm, qua Mỹ vào 1983. Trong thời gian nghỉ hè, Diện có làm thêm cho tiệm bán đồ gỗ “C& K United Furniture” của anh Khanh để có tiền tiêu. Do đó ba anh em trai chúng tôi đều biết anh Nguyễn Công Khanh cả. Hôm Thứ Sáu 28 Dec 2012, cả ba anh em chúng tôi đều gặp mặt anh Khanh để chuyện trò thân mật sau nhiều năm không gặp. Hiện tại anh Khanh có con học Đại Học, nên khi nghe và thấy ba anh em chúng tôi đều có con còn nhỏ mới học tiểu học lớp 3, lớp 4 anh thấy con đường của ba anh em chúng tôi còn dài “thăm thẳm chiều mưa.” Đáng lý ra ngày gặp mặt cuối năm có thêm anh Trần Quốc Hùng, hiện đang ở San Francisco. Ngày xưa anh TQ Hùng có biệt danh (nickname) là Hai Ốm, cùng công tác trong Ban Báo Chí với tôi cùng với Khưu Tiến Hùng (đang ở San Ramon, CA, có tham dự Hội Ngộ Cao Thắng 7/2012 tại San Jose). Nhưng chắc anh TQ Hùng busy nên không xuống.

Khi anh Học đi cùng 2 cháu nhỏ Khang & Huy tới, Diện có thêm con trai lớn Jason thì chúng tôi ngồi vô bàn. Anh Khanh chỉ đi có một mình, anh Hồ Xuân Yên đi cùng với vợ và cháu gái 12 tuổi. Tôi thì chỉ đi một mình cho dễ làm ăn (chụp hình không bị vướng bận). Tôi ngồi sát bên anh Hồ Xuân Yên để tâm sự. Khi nhìn anh HX Yên bên ngoài và tấm hình chụp năm 1980 thì khác xa một trời một vực. Ngày xưa ở trại tỵ nạn Songkhla trông ai cũng ốm đói, gầy guộc, xương gò má cao lồ lộ, mặc T-Shirt, quần Jean ống loe. Thú vui ngày đó ở trại tỵ nạn là ngồi nhâm nhi café hoặc nước ngọt trên mấy ghế nhựa trên bãi cát tâm sự với các bạn cùng trang cùng lứa.

Khi ngồi bên anh Hồ Xuân Yên tôi mới hỏi làm sao anh Cao thất lạc anh Yên. Anh Yên cho biết kẻ đi định cư trước, người đi định cư sau. Ban đầu mới qua chỗ ở không ổn định, chỉ một vài lần đổi chỗ là mất dấu tích. Ngày đó khi moving (di chuyển) thì phải đổi số phone, số nhà. Lúc đầu qua ai cũng lo học hành và đi làm cật lực, đâu có nhiều thời gian để viết thơ hay gọi long distance phone. Giá cả long distance phone cũng mắc lắm, đâu có thể cà kê dê ngỗng kể chuyện trên trời dưới đất như bây giờ có cell phone gọi cuối tuần đâu. Trong lớp 12T2 của anh Học, anh Cao Thanh Cao là người được bầu “chuyên viên tìm bạn” rất tài tình. Cả lớp 12T2 ngày nay liên lạc được phần lớn cũng nhờ chuyên viên tìm bạn này.

Ngồi quanh bàn chúng tôi kể chuyện cho nhau nghe về những kỷ niệm cũ. Anh Học nhận xét lớp 12T5 có nhiều nhân tài học rất giỏi. Tôi đưa ra nhận xét, ngày đó những người thi đậu vô “Đệ Ngũ Ban Kỹ Thuật Toán” là những thành phần học sinh xuất sắc từ các trường công tư thục của Saigon và Gia Định. Chẳng hạn như khóa tôi thi vào năm 1972-1973, gần 2000 học sinh chỉ chọn có 40 thí sinh trúng tuyển. Không phải tỷ lệ chọi là 40/2000 hay 1/50 mà 40 thí sinh đỗ đó phải tìm cách vượt qua hơn 1950 người khác để chen chân ngoi lên phía trên cùng vào “danh sách phong thần.” Em tôi, Ngô Đình Diện kể lại ngày đó đi coi kết quả thi tuyển của tôi cho biết, em đã dò từ tên từ đầu đỗ Thủ Khoa là “Đinh Đức Quang” và xuống tới gần cuối danh sách mà vẫn không thấy tên của tôi đâu em rất run, coi như cầm chắc tôi thi rớt 100% rồi. Lúc đó tim em hồi họp lắm, toát mồ hôi lạnh. Tự nhiên tới dòng cuối cùng mới thấy tên tôi đỗ hạng 39B là Ngô Đình Duy nằm sau hạng 39A là Nguyễn Trọng Điểm. Như vậy là tôi đậu “lọt cuối sổ.”

Số của anh Học của tôi thì luôn may mắn vì anh đẻ “bọc điều” theo lời mẹ tôi kể lại. Ngày đi dò kết quả thi “Đệ Ngũ Kỹ Thuật” bên trường Nguyễn Trường Tộ, bác Mười tôi đi dò giùm vì bác cũng có người con tên Ngô Đình Cầu đi thi cùng trường. Anh Cầu học hành trung bình, nên khi gần có kết quả bác nóng ruột, chạy xe gắn máy tới trường dò trước. Để chắc ăn, bác Mười dò từ nửa danh sách trở xuống thì thấy tên Ngô Đình Cầu trong danh sách thi đỗ, bác mừng lắm. Thấy tên con mình thi đỗ “bảng vàng” mà  bác không thấy anh Học nên đinh ninh anh Học thi rớt. Để chắc ăn, bác mang mắt kính dò thêm một lần nữa từ 2/3 danh sách trở xuống, vẫn không thấy tên anh Học đâu cả. Lần này, bác dò ngược từ 1/3 danh sách lên trên, gần hết danh sách vẫn không thấy tên anh đâu hết, cuối cùng mắt bác dừng lại dòng trên cùng thì thấy tên thí sinh Ngô Đình Học, số báo danh xyz nằm chình ình ở vị trí “Thủ Khoa” đầu bảng.  Về tới nhà báo tin cho bác gái tôi biết xong, bác đi bộ nhanh xuống báo cho gia đình tôi biết tin vui “cháu Ngô Đình Học đỗ Thủ Khoa rồi chú thím Khoa ơi!” lúc đó anh em chúng tôi đang lam lũ chơi đùa trước nhà, phải dừng lại để đón mừng tin vui, rồi ba tôi nổ máy xe Honda Dame chở anh Học tôi đi coi lại cho chắc ăn. Chiều hôm đó mẹ tôi nghỉ bán hàng chạy ra chợ Trương Minh Giảng mua nếp và gà về nhà nấu xôi cúng tạ ơn Tổ Tiên Ông Bà phù trợ cho anh tôi đỗ hạng cao nhất.

Ngồi bên anh Yên tôi mới hỏi ngày xưa trước khi vô Cao Thắng anh Yên học trường nào. Anh Yên cũng khiêm tốn cho biết anh học ở trường Trung Học Võ Trường Toản, ngay bên Trung Học Nữ Trưng Vương, trước Sở Thú Saigon. Năm Đệ Thất (lớp 6, niên khóa 1968-1969) anh Hồ Xuân Yên thi vào Võ Trường Toản đã đỗ Thủ Khoa. Khi thi đậu vào “Đệ Ngũ Kỹ Thuật” ở Cao Thắng, anh HX Yên học theo tốc độ bên trường Võ Trường Toản, ai ngờ tháng đầu tiên anh gần như đội sổ làm anh không biết về nhà ăn nói sao với bố mẹ anh đây. Anh HX Yên không ngờ chốn “võ lâm Cao Thắng” sao có nhiều cao thủ quá, mình cứ tưởng “mình ngon cơm” hơn mọi người nên bị dập nát như vậy. Sau đó anh phải tăng tốc độ, học hành siêng năng hơn mới lấy lại phong độ. Trong năm năm học tại Cao Thắng anh Hồ Xuân Yên thích tham gia nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, đá banh. Bạn bè những ai thích chơi thể thao thì anh biết.

             Trong buổi lunch đó thì anh Khanh có hỏi tôi “Duy còn liên lạc với anh Hiếu không?” Tôi mới hỏi anh Khanh “Xin anh cho biết anh Hiếu nào?” Đối với tôi khi hỏi một người phải có đầy đủ tên họ thì tôi mới nhớ. Anh Học và anh Khanh nhắc đến “anh Hiếu, dáng người nhỏ con, nước da trắng như thư sinh trói gà không chặt.” Tôi nhớ đến anh Hiếu (nhưng không nhớ rõ họ tên) cuối niên khóa 1972-1973 anh Hiếu học xong lớp Đệ Nhất (lớp 12) với điểm trung bình cao nhất trường, được lãnh phần thưởng danh dự của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu. Ngày đó tôi mới vô Cao Thắng, hình ảnh quý anh Cao Thắng học giỏi xuất sắc luôn luôn là tấm gương sáng cho tôi noi theo. Ngày 2 June 1973 tôi được lãnh phần thưởng hạng nhất bên lớp 8T1, Đinh Đức Quang hạng nhất bên lớp 8T2, anh Đinh Đức Vinh (anh ruột của Đinh Đức Quang) hạng nhất lớp 9T1, anh Ngô Đình Học hạng nhất bên lớp 10T2, anh Nguyễn Công Khanh hạng nhất bên lớp 10T5. Đó là ngày lãnh thưởng đầu tiên trong đời tôi học bên Cao Thắng. Riêng hình ảnh anh Hiếu nhỏ con, nước da trắng như con gái khi được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Lam xướng danh được lãnh phần thưởng “học sinh xuất sắc nhất” toàn trường thì hàng trăm con mắt đổ về phía anh ấy. Một tháng sau, kết quả thi “Tú Tài Ban Kỹ Thuật Toán Toàn Phần” được niêm yết anh Hiếu đậu “Tối Ưu” tức là điểm trung bình kết quả trên 18.00/20.00. Năm đó anh được lãnh Học Bổng đi du học Đại Học Kỹ Thuật tại Tây Đức. Từ đó tới nay đã gần 40 năm tôi chưa gặp lại anh. Hy vọng một ngày nào đó, ở Tây Đức anh vô đọc trang blog này, đọc được bài này thì xin anh liên lạc với tôi để tôi interview anh và viết một bài về người anh mà tôi rất kính nể sau năm học đầu tiên tại trường Cao Thắng.

Anh Hồ Xuân Yên cho biết bây giờ đầu óc anh quên rất nhiều, bạn bè trong lớp nhiều khi anh không còn nhớ người nào ra người nào. Nhưng các bạn biết không, có một người mà anh HX Yên không bao giờ quên, đó là cô Kim-Hương bên lớp 10CT5. Anh HX Yên hỏi Duy có biết cô KH ở cư xá gì…ngày xưa ở Saigon không? Nhè ai hỏi chứ anh nhè Duy hỏi là “lạc quẻ” rồi, vì ngày ấy Duy trông thấy mấy cô bên CT5 là run như cầy sấy, chỉ dám ngắm nhìn từ xa thôi, chứ chẳng có bao giờ dám hỏi chuyện, và hỏi thăm nhà nữa. Bởi vậy dịp Hội Ngộ 2012 tại San Jose nghe Nguyễn Việt Trúc nói là VT đi theo hai bóng hồng Tất Thị Ngọc Lan và Vũ Thị Kim Loan là Duy phải tôn VT lên làm sư phụ “can đảm.” Cho tới giờ này bảo Duy đi theo mấy cô chắc cũng không dám đi, nhưng xin email và gởi email thì OK, không sợ gì hết.

Tới lượt anh Nguyễn Công Khanh, anh cho biết ngày đó anh tập trung cao độ lo học hành, vì nếu rớt Tú Tài thì đi lính nên không biết mấy cô nào ra cô nào, duy anh còn nhớ có mỗi một cô là Vũ Thị Kim Loan, vì niên khóa đó tất cả những ai phụ trách “Trưởng Ban Học Tập” đều có đi họp toàn trường. Niên khóa 1974-1975 lớp nữ đầu tiên là lớp 10CT5 vào trường Cao Thắng, và Vũ Thị Kim Loan là Trưởng Ban Học Tập nên anh còn nhớ tới. Anh Nguyễn Công Khanh nhờ Duy gởi lời thăm đến Vũ Thị Kim Loan nếu có dịp gặp lại Kim Loan. Gặp Kim Loan thì không biết đến bao giờ:

Bao giờ mới gặp Kim Loan
Anh Khanh chuyển tới lời thăm hỏi nàng
Ngày xưa Học Tập Trưởng Ban
Họp hành nên nhớ cô nàng này thôi
Hôm nay xin chuyển mấy lời
Tới người ngày ấy một thời họp chung

Đáng lý ra Hội Ngộ 2012 tổ chức tại San Jose thì anh Nguyễn Công Khanh đã tới tham dự vì anh có nhận được email báo tin từ anh Ngô Đình Học, nhưng anh Khanh và anh Yên đã booked vé cùng gia đình qua bên Châu Âu du lịch xem World Cup 2012 nên không tham dự được. Hai anh sẽ cố gắng tham dự Hội Ngộ 2013 tại Nam Cali vào 7/2013 này. Tôi cho biết hai anh nên tham dự vì kỳ này tổ chức tại Orange County có hơn 10 thầy cô giáo Cao Thắng ở dưới Miền Nam tham dự. Hy vọng năm nay hai anh hay các anh chị em cựu học sinh Cao Thắng khác nên tham gia để gặp lại một số quý thầy đã dạy mình. Nhiều người trong chúng ta đã hơn 38 năm rồi chưa gặp lại thầy xưa bạn cũ. Một số bạn cùng trang cùng lứa với chúng ta chưa gặp gỡ đã từ giả cuộc chơi ra đi trước rồi. Khi biết được chúng ta luôn mang niềm hối tiếc “sao mình không gặp nhau khi còn có thể gặp.”

Hôm nay Duy xin post bài này để chia sẻ đến quý thân hữu, quý bạn về hình ảnh hai anh Nguyễn Công Khanh và anh Hồ Xuân Yên để các bạn cùng cấp lớp 12T với anh Ngô Đình Học niên khóa 1974-1975 để quý anh gặp lại những người bạn cũ mà mình không gặp từ 30/4/1975 đến nay.

Thân chúc Quý Thân Hữu và Quý Bạn Một Năm Mới 2013 và Xuân Quý Tỵ 2013 An-Khang, Thịnh Vượng & Đầy May Mắn.

Photos: Please click on the following link to see more photos on Flikr:

Thân chào,
Ngô Đình Duy

17 comments:

  1. Cám ơn bài viết của anh Duy về hai sư huynh mình. Anh Yên thì thấy mặt quen quen còn anh Khanh thì hoàn toàn khg nhớ, chắc mình nằm trong tuýp học dốt nên thấy ai học giỏi là trốn rồi...
    Chúc gia đình 3 anh em Ngô Đình luôn khỏe mạnh để chụp hình và ghi dấu những kỷ niệm cho bạn bè...

    ReplyDelete
  2. gia` qua' nhi`n khong ra
    cam on Duy,
    Cao 12T2

    ReplyDelete
  3. Anh Nguyễn Công Khanh ngày xưa tóc quăn dữ lắm mà sao bây giờ không thấy quăn nữa vậy ta? Khi mình mới vô trường Cao Thắng, anh Khanh có tặng cho mình cuốn sách dạy Kỹ Nghệ Họa. Còn anh Yên thì trước đây mình không biết, nhưng hai anh này cùng học nhóm học tập với chị mình ở trường Gia Long ngày trước, nên coi như mình cũng quen. Năm 2009 anh Yên về Việt Nam trở qua Mỹ có mang quà do gia đình gởi, mình cũng chỉ cám ơn bằng mail thôi chứ cũng chưa có dịp gặp. Hôm nay mới biết mặt anh Yên.
    Nguyễn Việt Trúc (Austin, Texas)

    ReplyDelete
  4. Nhiều chi tiết NĐD nhớ như in !
    TV tối thứ sáu có cải lương, tối chúa nhật có Đố Vui Để Học.
    Rồi ... Trung tâm Học Liệu ở đường Trần Bình Trọng nữa ! ....
    Tôi nhớ thầy Cao Thanh Tùng (dường như dạy ở Quốc Gia Âm Nhạc) thường điều khiển chương trình ĐVĐH. Thầy Tùng có giọng nói thật ấm, dẫn chương trình thật duyên. Ngoài ra còn 2 thầy cô ngồi ở bàn Giám Khảo, có cái đồng hồ gõ giây lóc cóc ở giữa.
    Tốc độ cuộc thi dồn dập. Số lượng câu hỏi nhiều và đa dạng. Không khí sôi động lắm ! Đôi câu phải trả lời trên bảng giấy.
    Khoá tôi, sau khoá anh Học, Tâm, Khanh, Hùng, ... có một số bạn cũng dự thi ĐVĐH sau đó.
    Thật vui vì thi chương trình phổ thông (không thi chương trình kỹ thuật toán), nhưng các anh CT trường mình luôn thắng với số điểm cao áp đảo.
    Khi anh Khanh làm trưởng khối Học Tập trường, tôi cũng được anh tặng những tập san quay roneo bài tập toán giải tích. Nét chữ stencil rất đẹp, gọn, nhanh.
    Rất vui khi thấy các anh khoẻ. Anh Học không khác xưa. Anh Khanh với mái tóc quăn có vẻ dày hơn, trong khi đầu anh Hùng, trong Hội Ngộ San Jose, đã láng coóng, đạt chuẩn sân bay quốc tế.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin cám ơn tất cả quý bạn bè & thân hữu CT đã đến viếng thăm và đọc bài viết “tràng giang đại hải” kể đủ thứ chuyện ngày xưa ở CT, nhất là chuyện “Đố Vui Để Học.” Cám ơn bạn Nguyễn Việt Trúc đã đóng góp vài dòng về anh Nguyễn Công Khanh. Riêng bạn Mai Quốc Hùng thì trí nhớ của bạn còn “siêu đẳng” hơn tôi nữa, biết tên cả thầy điều khiển chương trình “Đố Vui Để Học.” Tôi cũng nhớ mang máng là anh ruột của Đinh Đức Quang là anh Đinh Đức Vinh (Quang, học bên T2 cùng cấp lớp với Duym nhà ở đường Tô Hiến Thành, Quận 10 Saigon) sau đó có tham gia chương trình “Đố Vui Để Học.” Không ngờ anh Mai Quốc Hùng có trong Đội Thi này. Nếu được xin anh Mai Quốc Hùng chia sẻ về cuộc thi này được không? Không biết anh Mai Quốc Hùng còn liên lạc với anh Đinh Đức Vinh không? Năm 1977 Duy vào Đ/H Bách Khoa thì có gặp anh ĐĐ Vinh, và ĐĐ Quang thì học bên Khoa Điện. ĐĐ Quang người nhỏ con, cận thị, da trắng cũng ít nói, ít bạn như Duy vậy.

      Delete
    2. Tôi chưa đạt “chuẩn” dự thi ĐVĐH đâu Duy ơi, mà chỉ là khán giả trung thành của chương trình này thôi ! Dự thi ĐVĐH, khoá tôi có Huỳnh Ngọc Triển, Võ văn Tươi, Đinh Đức Vinh, Đoàn Danh Tuấn, Đặng Anh Tuấn, Nguyễn Thành Danh, ..... Thi 2 lần, đều ngon lành.
      Vậy mà tôi đã đinh ninh Đinh Đức Quang học sau Duy một khoá. Hai anh em Vinh - Quang học giỏi và nghiêm chỉnh lắm ! Tôi nhớ đầu 1973, ĐĐV học 9T3 !
      Những năm 76,77, với hoàn cảnh gia đình như vậy, ĐĐV thi đậu vào trường Dược (sau anh Lê Chơn Tâm một khoá), ĐĐQ vào Bách Khoa Điện, tôi đã phải nghiêng mình.
      Học xong, ĐĐV được giữ lại giảng dạy ở trường Dược một thời gian.
      ĐĐQ về công tác bên Điện Lực (?)
      Cả anh em Vinh – Quang đều đã xuất cảnh qua Mỹ khoảng cuối 80 (?) Nay chưa biết ai còn liên lạc được.
      Trong bài viết, Duy có nhắc đến người bạn cùng khoá Nguyễn Trọng Điểm ?
      Sau 75, Điểm học tiếp Hoạ viên trường CT, ... rồi tốt nghiệp KS Điện Tử trường ĐH Tổng Hợp. Đồng nghiệp với tôi khoảng thời gian 93-97. Khoảng 3 năm nay tôi ít gặp.

      Delete
    3. Sơ sót, xin ghi lại cho rõ, hàng 4 từ dưới lên, nên đọc là "cuối thập niên 80 (?)"

      Delete
    4. Anh MQ Hùng thân mến,


      Cám ơn anh Hùng đã ghi lại đây vài nét về anh em Đinh Đức Vinh – Đinh Đức Quang. Nhờ anh nhắc nên Duy nhớ anh ĐĐ Vinh học bên Dược Khoa, sau anh Lê Chơn Tâm một khóa. Còn ĐĐ Quang thì đậu Thủ Khoa niên khóa 1972-1973 nên Duy rất ngưỡng mộ Quang. Sau này Duy đi học ở Bách Khoa nên thỉnh thoảng có gặp anh Vinh, anh Vinh cũng hay hỏi thăm Duy về anh Ngô Đình Học. Trái đất tròn nên anh MQ Hùng gặp lại Quang về làm ở Công Ty Điện Lực.

      Duy nhớ tới Điểm, nhưng không rõ họ, nay anh Hùng cho biết chính xác là Nguyễn Trọng Điểm. Điểm là người đậu hạng 39A, trên Duy một bực. Ban đầu trường Cao Thắng, chỉ có một lớp 8T1 gồm 40 học sinh đỗ chính thức, và qua bên trường Nguyễn Trường Tộ học ở đường Tự Đức, Đa Kao. Lúc đó trường Nguyễn Trường Tộ di chuyển lên cơ sở mới ở Thủ Đức, do Tòa Đại Sứ Mỹ xây dựng đền bù cho trường Nguyễn Trường Tộ, cơ sở mới rất khang trang. Duy học được chung với các bạn như Điểm, Đặng Quốc Thông, ĐĐ Quang, Đặng Trọng Phúc, Nguyễn Mạnh Cường (nhà ở hẽm 402 đường Trương Minh Giảng, Quận 3, Saigon), Phạm Lãi, Võ Tuấn Lĩnh, Nguyễn Xuân Hán, Vũ, …được một tháng, sau đó quay về Cao Thắng, và lúc này trường dán thêm danh sách đậu đợt 2, gọi là danh sách “Bàng Thính Viên” đa số các bạn học là COCC (theo như lời các thầy đến dạy nói thẳng với các học sinh chứ chẳng cần cần quanh co hay kiêng nể gì hết.) Danh sách đợt 2 được đôn lên là danh sách lớp 8T1, còn danh sách đậu chính thức gọi là lớp 8T2.

      Duy học ban Pháp Văn nên “bị đổi” qua học chung với các bạn đậu đợt 2, lớp 8T1, mà trong lòng rất ấm ức, vì mình muốn học chung với các bạn lớp 8T2 để có dịp thi thố tài năng với các bạn đó, nhất là để “thử sức” với Đinh Đức Quang xem như thế nào. Cuối năm lớp 8T1, Duy đứng hạng nhất, nhưng bị thầy dạy Quốc Văn và Hội Họa là thầy Nguyễn Đình Cường chê “em học sinh đứng hạng nhất bên lớp T1 này, thua xa em học sinh đứng hạng nhất bên T2,” rồi thầy Cường mang “kính lão” nhìn về phía Duy để xem mình phản ứng ra sao. Lúc đó Duy chỉ biết yên lặng, và tự hứa với lòng mình “xin thầy cho em một năm để em phục hồi danh dự.”

      Năm sau niên khóa 1973-1974, ba lớp 9T1, 9T2, 9T3 đều thi hai kỳ “Đệ Nhất và Đệ Nhị Lúc Cá Nguyệt” chung một đề thi thi và bài thi có “rọc phách” phía trên để quý thầy không biết ai là ai để chấm điểm cho công bằng, không thiên vị. Kỳ thi chung này để chính thức hóa văn bằng “Trung Học Đệ Nhất Cấp Ban Kỹ Thuật Toán.” Qua 2 kỳ này, nhờ các điểm Kỹ Nghệ Họa và môn Sử Địa Duy đạt điểm cao. Môn Sử Địa thuộc loại khó ăn nhất vì phải nhớ các sự kiện lịch sử. Lúc đó, Duy nhỏ con chưa đầy 37kgs, vậy mà sau khi thi sụt mất còn có 33, 34 kgs, do thức khuya từ lúc 3 giờ sáng để học bài ròng rã suốt hai tuần. Sau khi thi, anh Học phát hiện gân xanh nổi lên sau bắp vế chân của Duy, anh nói lại với gia đình “Bộ Duy lo ôn bài vỡ để thi Tú Tài sao mà lo dữ quá vậy!” Kết quả cuối năm lớp 9, Duy đứng hạng nhất toàn trường Cao Thắng, các bạn bên lớp 9T2 đều nể phục. Và phần thưởng nhà trường dành cho cả trường Cao Thắng vào dịp Hè là chọn 4 học sinh của 4 cấp lớp cho đi dự “Trại Hè Lâm Viên tại Đà Lạt 8/1974” do Bộ Quốc Gia Giáo Dục & Thanh Niên VNCH bảo trợ, trường Cao Thắng có anh Phước, anh Tuyển, anh Học và Duy đi dự.

      Delete
    5. Sau này học Cao Thắng bên lớp 10T2 (niên khóa 1974-1975), anh hùng “hảo hán võ lâm” thay phiên nhau đổi ngôi số 1, Đinh Đức Quang không còn là ngôi sao sáng nữa mà bị “Phạm Lãi” soán ngôi bá chủ, hay Nguyễn Văn Tuấn vươn lên với kỳ tích về Toán Giải Tích. Phạm Lãi nhà ở quận 10, có tật tai bị điếc, sau này cũng thi đậu Đại Học Bách Khoa hình như chung Khoa Điện với Đinh Đức Quang.

      Thực ra hôm nay viết trả lời cho MQ Hùng, bao nhiêu kỷ niệm xưa tràn về, mình nhớ tới các bạn đồng cấp lớp ở Cao Thắng. Ngày xưa học sinh Ban Kỹ Thuật Toán vào Cao Thắng, ai cũng mong học giỏi thi đậu Tú Tài II Ban Kỹ Thuật Tóan rồi thi vào Trung Tâm Kỹ Thuật Quốc Gia Phú Thọ, hay là đậu Tú Tài II “hạng Ưu, Tối Ưu” để được học bổng quốc gia sang Tây Đức hay Hoa Kỳ du học với hoài bảo sau khi học xong “kỹ thuật tân tiến” ở xứ người mang kiến thức về “tái thiết” quốc gia Việt Nam hậu chiến không CS. Muốn đạt hoài bảo hay ước mơ thì phải lo học cho có căn bản thật vững chắc “học tới đâu, hiểu tường tận tới đó,” do đó hai anh em họ Ngô của Duy chỉ biết lo học và ít có chơi nhiều với bạn bè trong trường. Không ngờ sau 30/4 các ước mơ bị đốt cháy tan tành thành mây khói, tương lai chẳng có dù có vô được Đại Học Bách Khoa Phú Thọ. Do đó cuối cùng như hằng triệu người VN ở hai Miền Nam và Bắc chỉ có một con đường “vượt biên” ra đi tìm tự do để làm lại cuộc đời. Thời gian vô học Cao Thắng cho đến hôm nay cũng đã hơn 40 năm rồi, bao nhiêu “vật đổi, sao dời” đổi thay, thay đổi xảy ra, nhưng điều quý nhất chúng ta còn liên lạc được, còn gặp gỡ, còn chuyện trò được, còn nhớ lại trường xưa, bạn & thầy cũ.

      Thân chào anh MQH,
      Duy

      Delete
  5. Hồ Xuân Yên ma^.p qua' , khong giong dan ty nan vuot bien chu't na`o, giong dai gia ha ha

    ReplyDelete
  6. hoi lai NDHoc thi se ro~, 2 nguoi cu`ng di Do Vui De Hoc la` Le chon Tam va` Nguyen Anh Quoc

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn anh bạn đã để lại comment. Rất tiếc anh không cho biết tên họ để gọi tên anh cho đúng phép lịch sự. Đúng là anh Lê Chơn Tâm và anh Nguyễn Anh Quốc có đi thi. Nhưng khi lên TV, Duy thấy 3 người xuất hiện là anh Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Anh Quốc và Ngô Đình Học. Trung Tâm Học Liệu Quốc Gia ở Trần Bình Trọng recommend hai đội cùng trường nên dàn xếp để đưa ra một đội thi đấu chính thức. Tuy nhiên ngoài đội chính thức còn có hai học sinh ngồi ở hàng ghế "dự bị." Khi đội Cao Thắng dự thi thì hai anh Trần Quốc Hùng và Lê Chơn Tâm ở hàng ghế dự bị.

      Xin nói thêm với quý anh ngày xưa thi “Đố Vui Để Học” có tới 3 giải: giải “Cá Nhân Xuất Sắc”, giải “Đội Về Nhất” và giải “Đội Về Nhì.” Duy xem TV, nhớ anh Học sau cuộc thi thì được Ban Giám Khảo công bố là thí sinh đạt giải “Cá Nhân Xuất Sắc” vì trả lời được nhiều câu hỏi nhất.

      Thân chào,
      Duy

      Delete
  7. it's an interesting post! wow, after almost 40 years, this is the first time i read the names of people from a bygone era. according to the post, you guys did not finish the 12th grade at ct. How come?
    you must tell me what happened to the other guys in 8t2/9t2/10t2 (72-75) in your next post..

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thank you for stopping here to read this article. I have been busy this year so I cannot post any article on CT's friends.

      Delete
  8. Tôi là Đỗ Khiêm, lớp 12T2, khóa 75-76 ngay sau khóa anh Khanh, anh Yên và anh Học.
    học cùng khoa tại ĐH Bách Khoa,có thời gian làm việc chung sau khi tốt nghiệp tại ban chuẩn bị Sản Xuất Xi Măng hà Tiên, xin bạn Duy vui lòng cho tôi email của anh Khanh để tôi liên lạc bao nhiêu năm rồi không gặp, rất cám ơn bạn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Khiêm,

      Xin anh gởi email của anh qua email của Duy
      dondngo@yahoo.com
      để Duy gởi cho anh email của anh Khanh.

      Thân chào anh Khiêm,
      Duy

      Delete