Sáng nay tôi qua bên trang Thân Hữu Cao Thắng Úc
Châu xem mục “Phản Hồi” của các bạn cựu học sinh bàn tán hằng ngày
thì tôi giật mình như bị shock khi đọc được hung tin thầy Nguyễn Văn Bài, dạy Kỹ Nghệ Họa ở Cao Thắng trước năm 1975 vừa từ
trần tại Saigon. Bản tin Phân Ưu có những dòng như sau:
• Thầy Nguyễn Văn Bài,
Giáo Sư Kỹ Nghệ Họa, đã từ trần lúc 13:30PM ngày 11 Jan 2013
• Lễ Tẩm Liệm lúc 20 giờ 11 Jan 2013
• Lễ Động Quan lúc 13 giờ ngày 13 Jan 2013
• Linh cửu quàn tại 47 Nguyễn Duy, Quận Bình Thạnh, Saigon , VN
Mấy hôm nay tôi đã gởi các bài viết về gặp bạn cũ
& thầy xưa đến cho quý thầy và quý anh chị em học ở Cao Thắng. Đêm qua tôi
tìm lục trong Album gia đình để lấy ra những tấm hình chụp cách đây 26 năm tại
Trại Tỵ Nạn Bataan ở tỉnh Morong, Phippines để post lại cho bài viết cách đây
hơn một năm. Khi lục lại số hình cũ thì tôi vẫn còn thấy những tấm hình đen
trắng mà mình chụp cách đây gần 27 năm, lúc kỷ niệm 80 năm thành lập trường Cao
Thắng. Nhìn lại học bạ những năm học tại Cao Thắng, tôi nhớ từng người thầy dạy
cho mình. Tiếc rằng ngày tôi trở lại Cao Thắng vào ngày 19 tháng Tư năm 1986
tôi không có duyên gặp lại thầy Nguyễn Văn Bài, dạy lớp 8T1 về Kỹ Nghệ Họa, tức
là năm đầu tiên tôi vào Cao Thắng niên học 1972-1973.
Tôi không ngờ dòng thời gian sao trôi nhanh quá.
Ngày tôi vào trường Cao Thắng, cách đây hơn 40 năm, lúc đó trông quý thầy rất
trẻ trung, tóc còn rất xanh. Quý thầy dạy là những người tôi rất ngưỡng mộ vì
hằng ngày đầu óc tôi thấy mình học được nhiều điều mới lạ, mỗi ngày mình hiểu biết
thêm nhiều hơn. Dạo này tôi hay thức giấc vào lúc 2, 3 giờ sáng, bao nhiêu kỷ
niệm xưa tràn về làm tôi nhớ từng khuôn mặt của thầy xưa bạn cũ. Ngôi trường
Cao Thắng thời Trung Học, đối với tôi là ngôi trường tôi học lâu nhất, được 4
năm từ lớp 8 cho đến lớp 11. Hơn một năm rưỡi trở lại đây tôi có cơ duyên gặp
lại nhiều bạn bè ngày xưa nên nhiều kỷ niệm chôn vùi được đánh thức dậy trong
tiềm thức, và được nhớ lại như những thước phim đã quay 40 năm qua, nay được
chiếu lại từng phần, từng đoạn của chuỗi thời trung học.
Tôi nhớ lại khi mới vô trường Cao Thắng, không
riêng gì tôi mà đa số các bạn khác đều sợ nhất là môn Kỹ Nghệ Họa. Môn này hoàn
toàn mới mẻ, hoàn toàn xa lạ đối với tất cả học sinh mới vào. Còn các môn khác
như Toán, Lý, Hóa, Sinh Ngữ, Quốc Văn thì các học sinh không xa lạ gì, vì được
học liên tục từ lớp 6, lớp 7 ở Trung Học Phổ Thông. Lớp 8T1 của chúng tôi học
môn Kỹ Nghệ Họa trên dãy lầu Đồng Hồ. Thầy Nguyễn Văn Bài, ngày đầu tiên vô lớp
chúng tôi, việc trước hết là thầy điểm danh rồi nhìn mặt từng người. Đó là công
việc chung đối với quý thầy cô. Nhưng việc điểm danh lần đầu tiên rất quan
trọng, đó là bước đầu tiên ánh mắt của thầy tiếp xúc với ánh mắt ngây thơ của
học trò mới. Tôi vẫn còn nhớ thầy Nguyễn Văn Bài gọi chúng tôi bằng “anh” rất
lịch sự. Giọng của thầy là người Miền Nam đầy ngọt ngào như “mía luộc.”
Sau màn điểm danh, thầy mang theo “bộ đồ nghề Kỹ
Nghệ Họa” để chỉ cho học sinh chúng tôi những thứ cần mua sắm. Thầy mở lời:
- Xin các anh về nhà hãy sắm những thứ cần thiết
cho môn học mới này. Đây là bảng gỗ làm bằng gỗ thông.
Rồi thầy căn dặn bảng gỗ phải có tiêu chuẩn bề
dài, bề rộng, và độ dày bao nhiêu. Bảng vẽ phải bằng gỗ thông chứ không được
làm bằng gỗ khác được. Sau đó, thầy giới thiệu “cây thước T” cho chúng tôi thấy
tận mắt để đi mua, chứ không phải muốn làm cây thước T như thế nào cũng được,
phải là thước T đúng 90o thẳng góc, sau đó thước Ê-Ke 45o
và 60o/30o. Cuối cùng thầy giới thiệu hộp Compas đủ kích
cỡ. Đây là món hàng đắc tiền ngốn từ 3000 đến 5000 hay 7000 đồng VNCH lúc đó.
Lúc nghe thầy giới thiệu xong, những học sinh nhà nghèo, mặt mày trở thành xanh
xao, đờ đẫn và tay chân bắt đầu run như bị trúng gió độc, vì cảm thấy khả năng
làm sao sắm đươc đầy đủ bộ đồ nghề đắt tiền đó, nhất là hộp Compas made in West
Germany. Rồi còn tiền mua giấy Canson, gôm, bút chì cứng, bút chì mềm. Tôi may
mắn hơn các bạn khác là được chia sẻ xài chung bộ vẽ Kỹ Nghệ Họa của cha mẹ tôi
đã sắm cho anh Ngô Đình Học từ hai năm trước, nên trong lòng cũng chẳng ưu tư
gì nhiều.
Những buổi đầu chúng tôi được học về hình vẽ
chính diện (front view), tả diện hay hữu diện (side view), thượng diện (top
view), hạ diện (bottom view) của khối hình đơn giản. Nét vẽ chỉ bằng chì. Bài
thực tập đầu tiên trên giấy khổ A4, đúng quả là nổi kinh hoàng cho cả lớp, vì
chỉ có vài người vẽ đúng tiêu chuẩn và đạt trên trung bình (hệ điểm trên 20).
Tôi nhớ bạn Nguyễn Văn Phong là người mà thầy Nguyễn Văn Bài luôn luôn đưa ra
làm tiêu chuẩn cho cả lớp noi theo. Phong đạt điểm cao nhất lớp là 16/20, nét
vẽ mịn màng và đều, chữ viết như in. Bài vẽ của Phong ai nhìn vào cũng thích vì
như được in (print) đầy đầy nét mỹ thuật dịu dàng. Các bạn nể phục Phong sát
đất. Thầy Nguyễn Văn Bài cũng tò mò hỏi:
-
Xin anh Phong cho thầy biết, anh học vẽ ở đâu, đã vẽ từ bao lâu?
-
Dạ thưa thầy, em học Kỹ Thuật từ trường Cao Đạt ở đối diện chợ
Trương Minh Giảng gần 2 năm nay.
-
À hèn chi, anh vẽ đẹp quá. Nhưng thầy nghĩ anh Phong có hoa tay mới
vẽ điêu luyện như vậy.
Nghe Nguyễn Văn Phong trả lời với thầy Bài, chúng
tôi mới biết tại sao Phong vẽ Kỹ Nghệ Họa rất đẹp. Phong có nét đặc biệt trên
mặt là có một nốt rùi rất lớn kích cỡ như hạt đậu xanh màu đen, khuôn mặt lúc
nào cũng niềm nở tươi cười. Phong ngồi dãy giữa, bàn cuối cùng, ngồi cùng với
Nguyễn Văn Nhã (Nhã Lớn, nhà ở Phú Lâm), Nguyễn Văn Kiệt (Kiệt Cao, cũng ở Phú
Lâm).
Môn Kỹ Nghệ Họa, từ những bước căn bản đầu tiên,
càng về sau càng khó hơn, phải tập trung nhiều giờ để vẽ, để thực tập
(practice) thì mới quen tay, quen mắt được. Thú thật bây giờ nhiều khi trong
giấc mơ, tôi thấy mang bảng vẽ, thước T dài đi học lại năm lớp 11, 12 Ban Kỹ Thuật
Toán, tôi loay hoay như thế nào mà vẽ mực trên giấy khổ lớn không xong, mực lem
luốt hình vẽ làm tôi tháo mồ hôi hột, tỉnh ra may quá, đó chỉ là giấc mơ thôi.
Niên khóa 1977-1978, tôi học ở Đại Học Bách Khoa về Khoa Cơ Bản, học kỳ 2 được
học môn “Hình Họa” (cùng giống như Kỹ Nghệ Họa) đa số các sinh viên rên (than
phiền) như bộng, ai cũng thấy đó là môn học mới lạ và khó nuốt nhất. Các sinh
viên mới gọi môn Hình Họa thành “Hình Hại.” Nhờ học ở Cao Thắng 4 năm về Kỹ
Nghệ Họa nên tôi vượt qua môn “Hình Họa” một cách dễ dàng, nhất là vẽ đường
“giao tuyến” các hình khối phức tạp giao nhau.
Hôm nay viết vài kỷ niệm về thầy Nguyễn Văn Bài,
tôi như thấy mình quay trở về trường xưa lớp cũ của 40 năm về trước. Tôi vẫn
thấy được khung cảnh ngày đầu tiên được học với thầy, tôi vẫn thấy mình như đứa
học trò nhỏ của thầy, vẫn nghe giọng nói của người Miền Nam ngọt ngào
như bưởi Biên Hòa. Giọng của thầy rất dịu dàng, chưa bao giờ tôi thấy thầy nổi
giận hoặc lên tiếng lớn nạt nộ học trò dù bài vỡ điểm có thấp. Dáng vóc của
thầy là người mập, tầm thước chứ không cao.
Sau mười năm tôi trở về trường tháng 4/1986 để hy
vọng gặp lại một số thầy xưa, chụp vài tấm hình rồi ra đi. Ngày đó tôi sắp ra
đi định cư qua Mỹ, và theo luật lệ lúc đó tôi sẽ không được quay trở về nơi quê
hương đã sinh ra tôi, vì lúc đó những người dù ra đi chính thức hay vượt biển,
vượt biên hay di tản tháng 4/1975 đều thuộc diện “phản bội quê hương” chạy theo
Đế Quốc Mỹ. Lúc sắp ra đi, tôi cố gắng thu lại vài hình ảnh mái trường xưa để
khi về già mang ra ngồi nhìn lại, để ôn kỷ niệm một thời đã qua. Lần ra đi đó,
trong tôi mang nhiều niềm vui, nhưng cũng có nổi buồn xen lẫn. Niềm vui là được
đến xứ tự do làm lại cuộc đời, được đi học Đại Học theo ngành nghề mình thích.
Buồn là vì vĩnh viễn xa quê hương chẳng còn dịp trở lại. Sau khi tôi qua Mỹ
được 3 năm sau, tức là từ năm 1990 về sau, các Việt Kiều ngày xưa “phản bội quê
hương” được đổi bản án thành “Việt Kiều yêu nước” và được khuyến khích trở về
thăm. Qua xứ người trễ, rồi việc học hành cũng trễ, kéo theo dây chuyền tất cả
đều trễ, đều muộn màng so với lớp người di tản 4/1975.
Cuộc sống cứ như bánh xe lăn tròn, đâu có thể
dừng lại lâu. Tôi chỉ có dịp về thăm quê hương vài lần, rồi vội vã trở về cuộc
sống thường ngày ở Mỹ. Chưa có dịp thăm lại quý thầy xưa, quý bạn cũ. Hôm nay
nghe tin thầy Nguyễn Văn Bài đã ra đi lòng tôi xốn xang, mang một nổi buồn man
mác như đánh mất một kỷ vật quý giá. Vẫn biết rằng “đời là vô thường” có sinh
là phải có tử. Nhưng con người có trái tim, có tình cảm, sống có nghĩa có nhân,
thì sự ra đi của thầy cũng làm cho tôi, một học trò ngày xưa, buồn vì chưa gặp
thầy để nói với thầy “Thưa thầy, hôm nay con về thăm thầy đây” như câu chuyện
trong “Tâm Hồn Cao Thượng” kể về một học trò, khi thành danh đi ngang ngôi
trường cũ, nhớ thầy nên ghé thăm thầy xưa.
Hôm nay thầy Nguyễn Văn Bài đã vĩnh viễn ra đi,
ra người thiên cổ, thầy sẽ không bao giờ trở lại nữa, con chỉ biết cầu nguyện
cho Chư Phật Mười Phương tiếp dẫn thầy về Cõi Cực Lạc Tịnh Độ Quốc của Đức Phật
A Di Đà. Dù ở nơi xa, nhưng con vẫn có thể cầu nguyện cho hương linh thầy sớm được
siêu thoát, con kính chúc thầy Nguyễn Văn Bài “thiên thu an bình” (rest in
peace).
Con xin nghiêng mình trước linh cửu của thầy và
xin kính tặng bài thơ song thất lục bát để tiễn đưa thầy về Cõi Cực Lạc của Đức
Phật A Di Đà:
Kính Tiễn Thầy Nguyễn
Văn Bài
1.
Sáng nay
đọc được hung tin
Thầy vừa tạ
thế nửa tin nửa ngờ
Tin thầy từ
giả bất ngờ
Làm con đau
xót thẩn thờ tim đau
2.
Miền Bắc
Mỹ, tuyết màu trắng xóa
Trời mờ
sương, lan tỏa u buồn
Màn đêm rét
lạnh mưa tuôn
Tin thầy tạ
thế làm con nhớ thầy
3.
Ba thập
niên, chưa ngày tái ngộ
Đã từ lâu,
niềm nhớ khôn nguôi
Mơ về đất
nước gặp người
Gặp thầy
xưa dạy, để nguôi cõi lòng
4.
Ngày rời
trường, theo dòng đời chảy
Con lang
thang, năm bảy bến đò
Vượt biên
đến xứ tự do
Còn thầy ở
lại gánh lo gia đình
5.
Nay chưa
gặp, nhớ tình sư phụ
Môn học kia
hấp thụ ngày đầu
Giọng thầy
nhỏ nhẹ từng câu
Những lời
chỉ dạy thâm sâu tỏ tường
6.
Giọng của
thầy như đường mía ngọt
Nghe êm ru
dễ lọt vào tai
Nhẹ nhàng chỉ
những lỗi sai
Học sinh
thấy được ngày mai không làm
7.
Môn học
khó, nhưng đam mê học
Con vẽ
nhiều tăng tốc dần lên
Từ từ vẽ
riết nên quen
Hết còn
khiếp sợ cho nên tinh tường
8.
Đâu ai dè
giảng đường đại học
Nơi Bách
Khoa môn học Họa Hình
Là cơn ác mộng
học sinh
Than trời
trách đất bầm mình “Họa Tai”
9.
Bốn năm học
dùi mài “Kỹ Nghệ”
Đã giúp con
thấy dễ ăn hơn
Công thầy
dạy dỗ mang ơn
Năm đầu lớp
tám qua cơn hiểm nghèo
10.
Nay nghe
tin thầy theo Tiên Tổ
Con nguyện
cầu ở chỗ Di Đà
Vãng Sinh
Cực Lạc nơi là
Thầy về Cõi
ấy kiết già học tu
11.
Thầy nhẹ
bước thuyền từ vượt thoát
Hết khổ đau
về cõi Niết Bàn
Chúc thầy
thần thức nhẹ nhàng
Phật Đà
tiếp dẫn rước sang Giác Bờ
Kính
chào thầy,
Con, Ngô Đình Duy (San Jose , 11 Jan 2013)
---------------------------------------------------------------------------------------------------
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Photos Viếng Linh Cửu Thầy Nguyễn Văn Bài tại Saigon 12 Jan 2013
Quý Thầy
& Quý Bạn CT thân kính,
Xin Quý Thầy & Quý Thân Hữu CT xem loạt
hình Đoàn Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh CT đến viếng linh cửu thầy Nguyễn Văn Bài
tại Saigon 12 Jan 2013. Loạt hình này được anh Nguyễn Văn Hiếu, cựu học sinh
11T (nk 74-75) chuyển cho quý thầy và quý bạn CT:
Kính chào,
Ngô Đình Duy
Hi Duy và các bạn 8T1 (nk 72-73)
ReplyDeleteTừ hôm tết tây đến giờ Thanh bị cảm (Flu) thành ra nằm dài ra không làm gì cả . Làm chung với con nít, sợ lây qua cho tụi nó, thành ra nằm nhà ngũ cho khỏe .
Thời gian thấm thóat thoi đưa, 40 năm từ ngày gặp thầy Bài ở lầu đồng hồ . Thanh có chút kỹ niệm với Thầy Bài xin chia sẻ cùng các bạn . Chắc các bạn còn nhớ cặp anh em sinh đôi Lê, Hùng chứ ? Có một hôm thầy Bài chưa tới, hai anh em tụi nó ra sau lớp gần cửa sổ để vừa coi chừng thầy tới hay chưa rồi nhân dịp tập nhảy đầm luôn . Thanh thấy vui vui, vả lại lúc đó tụi nó đang tập bản O ye como va là bản nhạc Thanh vừa mới được nghe qua và rất thích . ;))
Cả 3 đứa đang quay cha cha cha thì thầy Bài vào mà không đứa nào biết , chết một cửa tứ rồi . Thầy Bài quay qua Thanh rồi nói: "anh cho tôi coi bài vẽ của anh. Số là, mấy hôm trước có bài vẽ cái block với con bù long Thanh không hiểu, rồi Thanh có lên hỏi thầy, thành ra thầy nhớ măt.
May mà ngày hôm qua bí quá thành ra tới nhà Lạng học hỏi thêm rồi, vả lại tới nhà Lạng lại được ăn bánh bông lan hòai hòai. Nhân đây, xin Lạng gởi lời cảm ơn của Thanh tơi bà chị của Lạng nhé.
Sau khi coi bài, thầy còn nói: "có tiến bộ đó." Đó là bài vẽ duy nhất mà không có bị lem mực, trước sau, phải, trái, trên, dưới, đều đúng cả .
Hôm nay nhận đươc tin thầy ra đi, con đang cách thầy nữa quả địa cầu, xin thầy nhận 3 lạy và cầu chúc thầy thóat khỏi vòng luân hồi .
Kính chào thầy,
Nguyễn Quốc Thanh (8T1, nk 72-73)