Welcome to my blog

Welcome to my blog, please enjoy...



Thursday, February 24, 2011

Trường Thi Năm Lên 8 Tuổi: Thoát chết trong đường tơ kẻ tóc …



Santa Clara, CA 15 March 2011
Quý Độc giả thân kính,

Đây là tập thơ dài thể song thất lục bát ( 2 câu bảy đầu, kế là 6 và 8) gọi là “Trường Thi Năm Lên 8 Tuổi,” kể về những gian truân sống dưới lằn đạn giao tranh của đôi bên tại làng Thanh Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ban đầu bài thơ chỉ có 43 tiểu đoạn, tức là 172 câu song thất lục bát post lên lần đầu 24 Feb 2011, nhân dịp viết tâm sự với Thầy cũ dạy học Anh Văn là Thầy Nguyễn Xuân Phong.

Read More

Nhật Ký Năm Lên 8 Tuổi.

Nhật ký năm lên 8, sống sót trong đường tơ kẻ tóc….

Santa Clara, CA 10 Feb 2011

Thầy Nguyễn Xuân Phong ** kính mến,

          Chiều nay em có nhận được lá thơ của Thầy gởi cho em. Em rất cảm động tấm lòng của Thầy, sống thiếu phương tiện liên lạc, không có đầy đủ internet như em. Thầy chỉ rely vào WiFi để nối kết với thế giới bên ngoài. Hơn nữa Thầy chỉ typing “mổ gạo” bằng 2 ngón tay cho em mà viết thơ rất dài cho em nữa. Ít bữa nữa thầy có thể viết cho em “tùy hỷ” tức là tùy vào sức khỏe nghen Thầy. Em thấy Thầy buồn nên kể chuyện đời xưa, lúc nhỏ hơn 10 tuổi mà thăng trầm sống chết không biết ngày giờ nào vì ở vùng xôi đậu của đôi bên giao tranh. 

        Chiều hôm qua từ 4:00PM cho tới 9:00PM email của em bị hư “nội bất xuất, ngoại bất nhập” chẳng có send và receive mail gì cả. Em sợ chiều hôm qua Thầy gởi thơ cho em, bị returned lại rồi Thầy suy nghĩ không biết sao liên lạc. Số phone của Thầy em gọi lại thì đã bị disconnected. Không ngờ hôm nay em lại nhận được thơ của Thầy, như vậy thầy trò mình có thể trao đổi với nhau.

          Câu chuyện thầy kể lại trong email thật cảm động, dù sao hoàn cảnh của em cũng còn may mắn hơn câu chuyện có cậu bé kia, đã mất cha lẫn mẹ và nặng tình nuôi nấng đứa em thơ. Hơn 40 năm rồi em vẫn nung nấu một ngày nào đó ngồi viết lại những ký ức chiến tranh mà mình trải qua trước lúc 10 tuổi, nhưng ý nghĩ đó vẫn chưa thực hiện được, vì em nghĩ rằng “chuyện đời tôi” ít có ai đọc hết, vì bây giờ hàng ngày người ta nhận quá nhiều thông tin để đọc, nên nếu mình có viết ra rồi cũng vứt vào sọt rác.

          Email trước em có nói với Thầy 2 tháng học cuối của năm lớp ba, em đội sổ “đứng chót lớp”. Mùa hè năm 1967, em được anh Học lúc đó đã học xong lớp Nhì Trường Tiểu Học Trương Minh Giảng và Trường Tiểu Học Tư Thục Quốc Anh ở Phú Nhuận, lo kèm dạy em về Toán. Hai năm lăn lóc ở quê nhà, xa cha cách mẹ đi lên đi xuống giữa vùng lửa đạn đâu có ai quan tâm dạy dỗ chỉ bài vỡ cho em một chữ nào đâu. Năm lớp tư, mấy bài toán về tiền mua, tiền bán, tiền lời, em cũng chả hiểu ất giáp ra sao cả, chữ viết lại xấu, nên chuyện học hành coi như vứt đi. 

          Ở vùng giao tranh cái sống và cái chết chỉ gần nhau trong gang tấc. Ở quận lỵ Duy Xuyên có Trường Trung Học Phan Sào Nam, phía sau trường có sân vận động rất lớn. Và kế bên trường là nhà thương quận lỵ. Những buổi chiều không đi học hay cuối tuần không về quê Thanh Châu thăm mẹ và mấy em thì em hay chạy ra sân vận động mỗi khi thấy máy bay trực thăng xoay vòng vòng hạ cánh xuống sân vận động để tải thương. Có một ngày nọ em đang đứng trước nhà thương chơi, vì nhà Ông Bà Nội thuê ở gần ngay nhà thương, thì thấy có 2 người đàn ông dân quê khiêng một người đàn ông khác trên võng. Cảnh tượng thật là khủng khiếp, người đàn ông trong võng đó bàn chân đạp nguyên một bàn chông sắt, máu ra đỏ hoe và đã đóng khô lại. Người đó coi như đã bất tỉnh rồi. Nhà thương coi như không trị được họ kêu trực thăng từ Hội An lên tải thương và cứu người dân lành vô tội đó. Không biết số phận bất hạnh của người đàn ông đó ra sao….(xem tiếp bên dưới, sau tấm hình sau)

Hình chụp gia đình của Ngô Đình Duy vào Mùa Hè năm 1966. Từ trái qua phải: anh Ngô Đình Học (10T), em Ngô Thị Hương (6T), Mẹ (32T) đang bế em Ngô Thị Anh (2T), em Ngô Đình Diện (4T), Cha (39T), và Ngô Đình Duy (8T)

Nhớ lại tấm hình chụp cả gia đình lần đầu trước lúc cha đi vô Sài-gòn
(Trích lại một số tiểu đoạn, từ 94 cho tới 104 của Bài Trường Thi Năm Lên 8 Tuổi)


94.
Sau một tháng, gia đình ghé tiệm
Chụp tấm hình kỷ niệm chia tay
Bảy người ngày ấy sum vầy
Để rồi xa cách, đọa đày chiến chinh

95.
Buổi trưa ấy, chụp hình đáng nhớ
Mấy em con tụi nó chân không
Đi trên đường cái nóng ran
Miệng la “cát nóng, phỏng chân con rồi.”

96.
Con mang dép cha mua Đà Nẵng
Nhường cho em, nó chẳng mang vừa
Bầu trời nóng rát đứng trưa
Diện, Năm nhanh chạy, phân bua liên hồi

97.
Vào Huỳnh Diêm, tạm ngồi chốc lát
Mặt tươi vui, hưởng mát trong nhà
Tấm hình chụp cả nhà ta
Cha đem theo nó, để xa ngắm nhìn

98.
Tấm hình này đậm in ký ức
Ghi lại ngày trước lúc chia tay
Mẹ mua mấy ký thịt heo
Mang từ Quê Ngoại vừa đèo bó rau

99.
Gia đình mình gặp nhau buổi tối
Bữa cơm sao đắng nổi sầu chi
Em Diện linh tính chia ly
Ngồi gần bên mẹ, tô mì không ăn

100.
Vầng trán mẹ nếp nhăn suy nghĩ
Rồi ngày mai, trực chỉ Đông Bàn
Mẹ về quê Ngoại vài ngày
Cha chờ gặp mẹ, mắt cay lệ nhòa

101.
Mẹ tránh mặt để cha nhẹ bước
Không dám qua, sợ Diện níu chân
Ông Ngoại qua, nói xa gần …
“Mụ Khoa, ốm nặng đang cần nghỉ ngơi.”

102.
Ngày chia tay, bầu trời buồn bã
Thôi từ nay, nhiều ngã chia phôi
Nhìn cha cất bước lệ rơi
Ruột con đau xé vẫn nơi nhà này …     
(nhà này: nhà ÔBà Gặp ở Trà Kiệu)

103.
Gạt nước mắt, tay cha nắm chặt
Giả từ con, đau thắt ruột gan
Bảy, Năm, nước mắt tuôn tràn
Trông cha khuất bóng sau hàng tre xanh

104..
Rồi cha dẫn anh Ba, em Diện
Vào Sài-gòn, tìm chỗ tạm cư
Gia đình ta lại chia tư
Chờ ngày sum họp, từ từ vậy thôi ....

           Hàng ngày việc khiêng cáng những người bị thương, đạp chông cứ xảy ra như cơm bữa…Bây giờ nghĩ lại em cũng không hiểu tại sao mình sống sót (survive) được, vì đi lên đi xuống giữa quận lỵ và quê nhà trên Thanh Châu hàng tuần, đi chân đất hoàn toàn trên con đường cái rải đá lởm chởm và gồ ghề. Có những lúc đi băng qua vùng ranh giữa Quốc Gia và Cộng Sản, nơi đó chắc là phải có mìn, hay hầm ngụy trang bên trên phủ những cỏ cây, nhưng bên dưới là chông sắt.

          Giữa năm 1966, lúc đó em đang sống tạm cư ở cụp Chiêm Sơn, cách Thanh Châu 4 kim, với đứa em gái tên Bảy, chưa đầy 2 tuổi với bà dì tên là bà Hương Oanh. Lúc đó thì mẹ em ở trên quê Thanh Châu cùng với đứa em gái tên Hương (nhỏ hơn em 2 tuổi). Đặc biệt nhà Bà Dì có một cái hòm lớn (quan tài) sơn màu đỏ chói đặt ngay gian chính giữa thờ phượng. Mỗi tối em hay sợ ma nên không dám bén mãng lên gian nhà đó. 

          Vào một buổi trưa, trời quang nắng gắt, em đang lu bu lo đút cơm cho đứa em gái và chưa kịp ăn trưa thì bỗng đâu trên trời hàng đàn máy bay bà già và hàng chục chiếc trực thăng đang quay cuồng vần vũ trên bầu trời xanh, bom trút xuống như mưa, pháo từ Hòn Bằng từ Trà Kiệu nã xối xả xuống…lúc đầu nghe xa xa…sau đó thì những tiếng nổ long trời lỡ đất gần nhà Bà Dì. Theo phản xạ tự nhiên, sợ quá Bà Dì hối thúc em cõng đứa em nhỏ chạy theo bà, ra trước vườn núp dưới cây mít thân to và dày lá…Miệng Bà Dì lo  tụng kinh liên tục “Nam Mô Lưu Ly Đức Quang Vương Phật….” còn em không biết tụng kinh cứ lấy thân mình che chắn cho đứa em vì nó sợ quá cứ ôm chặt. Trong đầu em lúc đó nghĩ rằng…nếu trời xui đất khiến bị bom đạn thì xin cho em lãnh thay cho đứa em nhỏ ngây thơ này….Bỗng đâu trên đầu em tàn cây mít bị đạn rocket từ trực thăng bắn gãy đổ xuống đất, coi như bấy giờ trên đầu chẳng còn gì để che chắn cả. Rồi một đàn trực thăng bay đến, em nghĩ rằng coi như ba bà cháu sẽ chết tại chỗ này…trong khi Bà Dì vần tiếp tục nhất tâm cầu nguyện Trời Phật…em thì đành xuôi tay chờ số mạng và cũng thầm van vái Trời Phật cho con được bình an, nếu có chết thì cho con chết thế cho em con…đang ôm chặt và không dám khóc lên. Bỗng đâu trên đầu em xuất hiện một chiếc trực thăng với người xạ thủ đeo cặp kính đen ngồi bên hông đang chỉa thẳng họng súng đen ngòm về phía đầu em. Lúc đó em cầm chắc cái chết trên tay…tràng súng liên thanh bắn xuống…cây mít ngã nhào vì bao nhiều phát đạn đều ghim vào thân cây…rồi chiến trực thăng đó bay đi mất tiêu. 

          Sợ quá Bà Dì nói với em rằng “Thôi con lo cõng em đi xuống quận đi, dì già rồi có chết cũng không sao.”Em buồn lắm vội cõng em Bảy trên lưng ra đi, trong khi bụng chưa có một hạt cơm nào cả. Lúc đó cõng em cũng chẳng có gì mang theo cả, chỉ có một bô đồ mặc trên người thôi, và chân đi bằng chân không. Bà Dì chạy vô nhà tìm vội vài củ khoai bảo em mang theo để ăn và lo nhanh chân lẹ cẳng đi đi….lúc đó cũng hơn 2 giờ trưa rồi…

          Sống sót sau trận cuộc càn quét này…lúc đó em cũng chưa biết gì nhiều, em mừng lắm trong lòng tạ ơn Trời Phật và trong đầu luôn luôn nghĩ rằng mình được Trời Phật cứu giúp nên tai qua nạn khỏi. Lòng em tự hứa “Từ rày về sau mình phải là người tốt để không phụ ơn cứu tử của Trời Phật, sống không có lừa gạt ai hết….” Em Bảy nhỏ con nhưng có da có thịt em nghĩ chắc đứa em cũng nặng trên 10 Kgs, trong khi đó em chỉ có 16, 17 Kgs…Cõng đứa em đi khoảng chừng 40 đến 50 thước em lại đặt nó xuống và nói “Thôi em xuống đi bộ cho anh đỡ mỏi vai và mỏi lưng một chút.” Tội nghiệp đứa em cũng không có đôi dép để mang. Đứa em cũng chỉ có bộ đồ trên người thôi….Tới gần 3:30 hay 4 giờ chiều thì em đi ngang qua một nghĩa địa…em hơi rờn rợn vì lúc nhỏ sợ ma lắm. ….nên em cõng đứa em đi cho thật lẹ như là bị ma đuổi vậy...rồi tới làng Trung Yên, nơi ươm tơ tằm (ươm kén), em ghé tạt mấy nhà dân gần đó để xin nước uống. Có mấy bà mẹ bồng con đứng trước nhà hỏi em “Mi con ai, mà cõng em đi mô vậy? “ Em mới nói “trưa nay con ở gần cụp Chiêm Sơn bị máy bay bắn phá suýt chết nên cõng em xuống quận tìm gặp Ông Bà Nội.” Rồi họ cũng tử tế cho ăn cho uống, và ân cần dặn dò đi đứng cho cẩn thận vì hầm chông gần đây nhiều lắm….

          Đường càng xa, càng cõng càng nặng…vì mới trải qua cái chết nên em cũng không thấy cực nhọc khi cõng đứa em. Trong lòng mình vui vì sống sót nên sự mệt nhọc coi như là rất nhẹ nhàng…Sau cuộc càn quét, rất may ba dì cháu không bị thương gì cả…phải nói sống sót qua trận càn chiều nay đúng là một phép lạ…

          Sau này gặp lại mẹ em và các cô trên Thanh Châu em mới biết thêm là lúc đó ruột mẹ em nóng như thiêu như đốt vì từ trên quê nhà nhìn xuống Chiêm Sơn là biết nơi đó đang xảy ra bom đạn đang thả xuống. Mẹ em lúc đó cũng chỉ biết lạy Trời lạy Đất cho hai con mình tai qua nạn khỏi. Tối đó mẹ em không ngủ được, trông cho sáng mai sớm đi bộ xuống Chiêm Sơn để xem tình cảnh 2 đứa con nhỏ của mình như thế nào. Ngày hôm sau thì mẹ em xuống tới nơi, Bà Dì cho biết 2 đứa an toàn, và nói “Tội nghiệp cho thằng Duy ốm yếu không biết làm sao cõng đứa em đi 7, 8 km xuống quận đây.” 

          Phần em lúc đi qua trạm gác (du kích VC) thì mấy ông nội VC cũng chẳng hỏi han gì cả vì thấy 2 anh em lem luốc đèo nhau tưởng đâu con cái nhà ai gần đó, đang cõng em đi chơi vậy. Lúc đó em nhỏ con, nên du kích cũng không hạch hỏi gì, nếu em lớn xác chắc cũng đã bị bắt đi làm giao liên rồi…Đường cái (đường chính) từ cụp Chiêm Sơn xuống Trà Kiệu bị bít lại (bị chận)….nếu đi thẳng thì chỉ có 3 cây số thôi, nhưng em chỉ có đi theo đường vòng xa gấp 3 lần (coi như đi theo 3 cạnh của hình vuông) Mãi đến 7 giờ tối em mới tới Trà Kiệu nơi có nhà thờ Công Giáo rất lớn thuộc vùng kiểm soát của Quốc Gia. Dọc đường khát nước em cũng vô nhà dân xin nước, được cái dân VN mình ở quê rất tử tế xin nước thì lúc nào cũng có. Em chỉ xin nước uống thôi, chứ chưa bao giờ xin tiền, vì lúc nhỏ cha mẹ có dạy em “Đói cho sạch, rách cho thơm.” Nếu có khát thì xin nước uống, và có đói thì đành lòng xin cơm ăn, chớ không lợi dụng hoàn cảnh bi thương ngồi đầu đường xó chợ xin tiền thiên hạ, nhục lắm. 

          Cõng đứa em trên lưng đi từng bước nhỏ, càng ngày càng nặng, và mồ hôi ra nhễ nhại tấm thân…cõng một khoảng xong lại dừng và bảo em Bảy rằng “Thôi em ráng bước đi đi…em nặng quá, anh đã mỏi vai rồi…” Em bé cũng hiểu và thương anh nên cũng ráng đi. Được một lúc rồi nói “Em mỏi chân quá, anh cõng em đi đi…” Em Bảy lúc bé ăn uống được nên tròn trịa, đôi mắt đen lánh như hòn bi vậy. Từ nhà thờ Trà Kiệu nếu đi xuống Quận lỵ cũng cách xa 4 Kms nữa, nếu đi mất hết 4, 5 tiếng đồng hồ. 

          Cũng may mắn em có người dì bà con (dì Song, gọi mẹ em là chị, vai con chú con bác với nhau) lấy chồng ở dưới Trà Kiệu. Cơn lụt lịch sử năm Giáp Thìn 10/1964 đã tàn phá nặng bên huyện Duy Xuyên, sau đó mẹ em nhờ người lái ghe lo đứa mấy anh em xuống tạm cư ở nhà Ông Bà Ngoại tại Gò Nổi, thuộc quận Điện Bàn. Rồi sau đó em được dì Song dẫn em và cậu em (lúc đó gần 3 tuổi) về Trà Kiệu chơi…nhờ vậy nên khi toàn bộ gia đình chạy tản cư tỵ nạn Cộng Sản vào năm 1966 thì gia đình em có ghé vô nhà ông bà Gặp là ông bà già chồng của dì Song ở tạm hơn 1 tháng. Sau đó cha em dẫn anh Học và cậu em thứ 6 tên Diện vô Saigon trước. Còn mẹ em, em, cô em gái kế thứ năm và em Bảy ở lại quê nhà.

           Nhắc lại, thấy đường xuống Quận lỵ rất xa nên em cõng em Bảy vô nhà ông bà Gặp nương náu qua đêm. Khi em cõng đứa em gái vào nhà xin ở tạm, ông bà Gặp khóc…”Sao mi khổ quá vậy, cõng em nặng cả buổi chiều, chắc mệt lắm phải không con.” Rồi bà Gặp nói với mấy đứa con trai của bà “Tụi bay trông kìa, thằng Duy xa cha xa mẹ còn lo giữ em cõng em đi cả buổi chiều xuống đây. Tụi bay so với thằng Duy sướng quá trời…” Ông bà Lý, hàng xóm nghe em cõng đứa em vừa mới thoát khỏi cuộc oanh kích trưa nay trên cụp Chiêm Sơn….ông bà ngậm ngùi nói “Cha mẹ con đâu mà con lạc loài cõng em tội nghiệp vậy con.”  Rồi bà Gặp, bà Lý đi tìm đâu vài bộ áo quần cũ cho em để thay ra thay vô. Bà Gặp nói “Thôi con ăn cơm tối đi, ở lại nhà bà vài ba ngày chơi rồi cõng em xuống Quận gặp Ông Bà Nội sau.” Em thấy tình nghĩa của những người dưng nước lã sao tốt quá, đối xử với mình như nước bát đầy. 

          Ngủ một đêm, sáng ra ngủ dậy sao tay chân nhức mỏi rã rời, vì cả ngày hôm qua chạy giặc cõng em nặng. Ngày hôm sau em cõng em Bảy qua nhà ông bà Lý thăm chơi và cám ơn ông bà đối xử tốt. Ông bà biểu (bảo) em kể lại việc sống sót ngày hôm qua, nghe xong hai ông bà không cầm được nước mắt “Tội nghiệp cháu quá, có cha có mẹ mà như không cha không mẹ, may mà sống sót cõng em về đây, nếu con chết thì ai săn sóc em con. Thôi cũng nhờ Ơn Trời Đất gia hộ, ở hiền gặp lành.” 

          Sau này hơn 11 năm sau, ngay kỳ nghỉ hè sau năm học thứ I trường Đại Học Bách Khoa, tức 7/1978 em có về lại thăm Duy Xuyên lần đầu tiên xa quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Em có ghé vô thăm ông bà Gặp, ông bà Lý. Nhưng lúc đó chưa đi làm có tiền bạc, còn ăn bám gia đình sau năm 1975, nên em chỉ viếng thăm những vị đại ân nhân thôi, chứ chưa có biếu tặng quà cáp gì cả. Riêng cha mẹ em sau nầy ở Mỹ về thăm VN năm 1994 về sau em có gởi tiền để tạ ơn những vị ân nhân đó. Bây giờ những vị ân nhân đó đã ra đi rồi, dù có tiền cũng không còn dịp đền ơn đáp nghĩa họ đã đùm bọc thương yêu hai anh em trong hoàn cảnh gia đình chia cắt và chịu đựng chiến tranh khốc liệt “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi.”

           Trở lại câu chuyện trên, em ở lại nhà ông bà Gặp được 2 ngày ăn uống lai sức rồi, em xin từ giả ông bà để đi bộ dọc đường lộ trải đá cõng em Bảy xuống xin nương náu Ồng Bà  Nội. Khi cõng em Bảy tới nơi, Ông Bà Nội em khóc như mưa “Ông tưởng 2 con chết rồi chứ, ngày hôm qua hôm tê ông dò hỏi những người từ Cụp Chiêm Sơn thì họ cho ông biết trận oanh tạc to lắm” rồi ông cũng khóc ngon lành  như đứa con nít “Lão Khoa ơi, sao mi để 2 đứa con sống chết tội nghiệp quá vậy, nếu tụi nó chết chắc mi ân hận lắm.” Rồi bà nội cũng ôm hôn như chào đón 2 đứa cháu từ cõi chết trở về. Từ đó hai anh em ở lại với Ông Bà Nội tại Quận lỵ Duy Xuyên. 

          Sau đó vài tuần em tìm cách trở về trên quê Thanh Châu để thăm mẹ đang mang bầu đứa em út sinh 12/1966. Lúc trở về thăm nhà, chỉ có một mình em đi thôi, còn em Bảy ở lại với Ông Bà Nội. Ngày trở lại mẹ em, cô em và chú em ôm chầm lấy em và nói “Tao tưởng thằng Duy chết rồi, đứng ở trên này thấy hàng đoàn máy bay thả bơm oanh tạc, khói bốc lên cao. Mẹ mày thì đang mang thai cứ đứng ngồi không yên khóc lên khóc xuống lo cho 2 anh em mày đây….” Mẹ em gặp lại em ôm em chặt vào lòng và nói “Mẹ tưởng con chết rồi. Đêm hôm trước khi oanh tạc, ruột gan mẹ nóng như ai đốt lửa…thấy con bị máu me về trách mẹ…, mẹ sợ lắm con ơi.” Khi nghe em thuật lại cái chết như ngàn cân treo sợi tóc “Con cõng em chạy nhanh ra trước nhà Bà Hương Oanh, núp dưới cây mít to, Bà liên tục tụng kinh – Nam Mô lưu ly gì đó…thì từ đâu một chiếc trực thăng quần trên đầu với ông lính xạ thủ đưa khẩu súng đen ngòm nhắm ngay trán con nã 1 tràng đạn…chắc Trời Đất phù hộ nên loạt đạn ghim đầy vào thân cây…” Ai nghe nói cũng giật mình van vái tạ ơn Trời Phật. 

          Em đi lên đi xuống hàng tuần để thăm mẹ và đứa em gái. Không biết tại sao lúc đó em không có sợ bom đạn nữa…Mỗi sáng thứ bảy đi bộ về nhà mất hết 4 tiếng đồng hồ, ở lại trên quê được buổi chiều thứ bảy và trưa ngày chủ nhật lại đi bộ xuống quận, lúc xuống thì mang theo trái cây xuống cho Ông Bà Nội, lúc về lại quê trên Thanh Châu thì mua 5 đồng bạc kẹo (hình như tép quít màu xanh, ngậm rất the) mà đứa em gái nhỏ kế em rất thích.

          Rồi có một ngày em về lại Thanh Châu, lần đó em không gặp mẹ em. Hỏi ra Ông Ngoại em ở Gò Nổi Điện Bàn lên quê dẫn mẹ em về nhà ngoại để lo sinh nở. Lần đó em buồn quá, đi cả 10 cây số để về trông lại gặp mẹ và em Năm, mà không gặp được mẹ và em. Khi mẹ em xuống Gò Nổi rồi thì em không còn về Thanh Châu làm gì nữa. Đến giữa tháng 12/ 1966 thì mẹ em sinh ra đứa em gái út đặt tên Thơ (Ngô Thị Thơ). Cái Tết năm 1967 như trong thơ trước em viết, em buồn quá vì sống một cảnh 3 quê (một gia đình chia 3), ngày Mùng 2 Tết qua thăm mẹ và mẹ em nói “Sau Tết con phải vô Saigon sống với cha con, từ từ mẹ bán thuốc lá xong, em út con đang trong nôi lớn hơn một chút, và cha con đi làm để dành tiền bạc gởi về thì mẹ mới vô Saigon sau với 3 đứa em của con (cô em gái kế tên Hương – em Bảy – em Thơ mới sanh).” Mồi lần về quê Ngoại mẹ em dặn dò kỹ “Con cẩn thận đi đường nghen con.”

          Thôi đến đây em xin tạm dừng câu chuyện “Dòng Đời Nổi Trôi” để đi về nhà lo ăn tối và dạy bé Khôi Việt 7 tuổi làm Homework. Bữa khác sẽ tiếp nối câu chuyện dài…sau…

          Con xin kính chúc Thầy Cô khỏe mạnh và an lạc. Con cũng xin Thầy giữ gìn sức khỏe, đừng viết dài cho con vì Thầy mới mổ xẻ, làm Test, hơn nữa thầy ngồi gõ mail bằng 2 ngón mệt lắm…nghen Thầy…

          Kính chào Thầy,

         Em, Ngô Đình Duy (Santa Clara, 10 Feb 2011)


Notes:
** Thầy Nguyễn Xuân Phong, nguyên Quốc Vụ Khanh VNCH đặc trách về Hòa Đàm Hai Bên tại Paris từ 1973-1975 là Trưởng Đoàn Đàm Phán của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Hội Nghị Hai Bên của Miền Nam (VNCH & MTDTGPMNVN). Hiện tại Thầy NXP đang sống tại Florida. Thầy là tác giả cuốn sách tiếng Anh "Hope and Vanquished Reality," do Xlibris Corporation xuất bản vào tháng 2/2003.


-------------------------------------------------------------
*** Added on 26 July 2011: Đọc xong bài Nhật Ký này, nếu thích Quý Độc Giả có thể đọc bài Trường Thi Năm Lên Tám Tuổi để biết được thêm chi tiết về những lần tản cư chạy giặc từ làng quê Thanh Châu xuống Quận Lỵ Duy Xuyên theo link sau đây: 


http://ngodinhduy.blogspot.com/2011/02/nam-8-tuoi-toi-thoat-hiem-trong-uong-to.html






Read More

Thơ Tặng Ca Sĩ Hồng Ngọc

Thơ Tặng Ca Sĩ Hồng Ngọc
 
Tết này mừng gặp lại em             (Tết Tân Mẹo 2011)
Đến đây ca hát Mùa Xuân trở về
Hồng Ngọc, em quậy thật phê
Bà con cô bác đến nghe đông người
Lời ca tiếng nhạc vui tươi
Đúng là em hát thấy Xuân trở về
Khán giả đứng dưới say mê
Vỗ tay tán thưởng…không chê chỗ nào
More….more…hát nữa…ồn ào
Muốn nghe em hát đón chào Mừng Xuân
                                                                    
Ngô Đình Duy ( Mùng 5 Tết Tân Mẹo/ 7 Feb 2011)

Read More

Monday, February 7, 2011

● Tập Thơ "Tràng Pháo, Tràng Thơ Đối Đáp Đầu Năm Tân Mẹo 2011 " (tác giả Ngô Đình Duy, Phương Nguyễn, Đặng-Võ Tòng)


Tràng Pháo, Tràng Thơ Đối Đáp  ...
Cầm dây pháo đỏ lấy hên
Cám ơn Phương chụp, đứng bên pháo chùm...
...Mùng Một nghe pháo đì đùng...
Đón Xuân rộn rã vui cùng đồng hương...

Read More

Saturday, February 5, 2011

Thơ Vui: Sáng Mùng Ba Tết…

Cám ơn Quý Thân Hữu  đã gởi mail chúc Tết và gởi bài thơ vui…
Sáng nay Don dậy sớm…đọc mail thấy vui nên làm bài thơ ngẫu hứng thân tặng cho Quý Chú Bác (cánh mày râu đàn ông đã có gia đình)

                Thơ vui:  Sáng Mùng Ba Tết…              

              Sáng Mùng Ba nhận thơ bạn gởi
             Vẫn Chúc Xuân chúc tới chúc luôn…
             Còn Mùng là vẫn còn Xuân
             Tôi xin chúc bạn Tân Xuân Phát Tài

             Chúc Sức Khỏe dẻo dai bền bỉ
             Chúc Gia Đình trong ấm ngoài êm
             Năm Mèo…bồ nhí….đừng thèm
             Dính vào nữ giới là thêm bực mình

Ngô Đình Duy (Sáng Mùng 3 Tết  Tân Mẹo 2011)

Read More

Friday, February 4, 2011

Xem Đốt Pháo Đầu Xuân 2011


Xem Đốt Pháo Đầu Xuân 2011

Tiếng pháo nổ đì đùng vang dội
Century  đông hội ngày Xuân   (Grand Century in San Jose, CA, USA)
Xác pháo thảm đỏ ngổn ngang
Bà con nghe pháo rộn ràng Mừng Xuân

Tết không pháo chắc Xuân chưa đến  ?
Tết lại về tiếng pháo góp vui
Jose đón Tết vui tươi
Pháo giòn giả nổ mọi người hân hoan

Xe nối đuôi đi tìm chỗ đậu
Pháo đì đùng như giục mời xem
Nức lòng người đến thật đông
Đón Xuân nghe pháo cõi lòng hân hoan

Tết đến Quê nhà vui không nhỉ  ?
Jose đây không khí thật Xuân
Đón Xuân nắng ấm chói chang
Ra Mall xem pháo liên tràng …chói tai

Chói tai…nhưng thích vẫn xem
Đứng nhìn như thấy Tết Xuân đang về  …
         Ngô Đình Duy (San Jose, 3 Feb 2011/ Mùng 1 Tết Tân Mẹo)

Xin mời xem hình photos phóng sự đốt pháo tại Grand Century (San Jose) chiều Mùng Một Tết Tân Mẹo (3 Feb 2011)


Please enjoy….

Read More

Tuesday, February 1, 2011

Chúc Xuân & Tết Tân Mẹo 2011

Hôm nay ngày 29 tháng Chạp Tết Tân Mẹo  (Con Mèo), bây Saigon cũng là sáng 30 Tết rồi,  Don nhận được rất nhiều email chúc Tết của Quý Bác, Quý Thân Hữu. Nay xin làm bài thơ này để Chúc Tết đến Tất Cả Thân Hữu gần xa được An-Khang, Trường Thọ, Vạn Sự Cát Tường…

Chúc Xuân & Tết Tân Mẹo 2011

Ngày cuối năm gởi thơ chúc Tết
Chúc An Lành Sức khỏe vui tươi
Ngày Xuân tôi nhớ mọi người
Gởi mail chúc Tết – gởi cười ngày Xuân

Thế mới biết Mùa Xuân ấm áp
Tình bạn bè vẫn nhớ đến nhau
Quê Hương  ta đã xa lâu
Ngày Xuân – bè bạn – nhịp cầu – thêm Xuân

Nhân ngày Tết – ngày Xuân xin chúc
Chúc bạn bè, Thân Hữu an vui
Thân tâm an lạc quanh năm
Tâm hồn thanh thản, chỉ chăm tu thiền

Nhờ ánh đạo, ưu phiền tan biến
Ta thấy đời vui vẻ Mùa Xuân
Làm người hạnh phúc triệu lần
Biết tu, biết sống thấy Xuân hằng ngày….

               Ngô Đình Duy, San Jose – 01 Feb 2011
                               29 tháng Chạp Tết Tân Mão

Read More