Welcome to my blog

Welcome to my blog, please enjoy...



Monday, October 10, 2011

Bài Học Chia Sẻ: Việc Tu Học bên Ấn Độ (by Pháp Đăng)

Bài Học Chia Sẻ: Việc Tu Học bên Ấn Độ (by Pháp Đăng)



Để mở đầu cho một câu chuyện thì có 2 cách, hoặc là trực tiếp, hoặc là gián tiếp. Riêng tôi thì chẳng biết phải bắt đầu ra sao? Bằng cách nào?  Có lẽ tôi sẽ nói loanh quanh làm cho bạn phải chóng cả mặt. Tôi, thuộc phái nữ cũng như bao nhiêu nữ phái khác. Câu chuyện của tôi sắp chia xẻ với bạn đối với bạn có lẽ sẽ không có gì đặc biệt, nhưng đối với tôi thì là một bài học quí giá, nó giúp tôi thay đổi nhân sinh quan. Cho nên, việc kể cho bạn câu chuyện về tôi chẳng qua là một điệp khúc được lập lại hầu nhắc nhở chính bản thân tôi.
Từ bé tôi vốn dĩ say mê du lịch. Tôi luôn ước mơ một ngày nào đó khi lớn lên tôi sẽ đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Tôi say mê ngắm nhìn phi cơ cất cánh bay lên bầu trời rồi biến mất sau đám mây trắng xóa, để mặc tâm hồn bềnh bồng sau áng mây đó và tự hỏi phi cơ sẽ bay về đâu? Khi lớn lên tôi đã thực hiện được ước mơ đó. Tôi đã ngồi du thuyền lênh đênh  trong vịnh Caribbean, bị say sóng khi lướt thuyền dưới bão tố trên vùng Bắc cực, xuôi buồm trên mặt biển êm ả về Mexico, leo vạn lý trường thành  mà nhức cả đôi chân, ngồi thuyền ngắm cảnh Tây Hồ ở Hàn Châu, bị bệnh thảm thương nơi Tây An vì khí hậu sa mạc khắc  nghiệt, trúng gió nằm liệt giường ở Quế Lâm do mưa nắng bất thường, đi thang máy lên đỉnh Tour Eiffel mà trong lòng đầy hối hận, nghĩ “sao mình lỡ dại vào thang máy, rủi nó overload là chết cả đám”, vào đấu trường ở Rome với tâm trạng không vui khi nghĩ tới ngày xưa người ta hành hạ mấy con bò, lang thang khắp Âu Châu trên xe lửa, ăn bánh mì baguette và uống nước lạnh đúng ba tuần lễ vì sợ thiếu tiền tiêu cho cuộc hành trình xuyên Âu, vừa vào khách sạn ở Sydney là lập tức chạy tọt vào nhà tắm vặn vòi nước xem nước chảy ngược chiều kim đồng hồ, lấy tàu qua đảo nơi Nam cực, lạc bước vào một ngõ hẻm bên Hong Kong để rồi vô tình dừng chân trước một cao ốc mới bị lửa thiêu rụi trong đêm qua, với cả trăm người chết thiêu trong biển lửa, say mê ngắm nhìn những bức tranh của Michael Angelo vẽ trên trần nhà thờ trong tòa thánh Vatican vân vân… và phải bật khóc trong một phòng tối ở viện bảo tàng quốc gia tại thành phố Đài Bắc. Có lần một giáo sư đã hỏi học trò là nếu được đi du lịch thì sẽ viếng thăm nơi nào trước trên thế giới. Người thì nói Tokyo, kẻ nói Hong kong, rồi thì Parisyou name it you have it. Đến phiên tôi, tôi buột miệng nói Kathmandu. Cả lớp chưng hửng. Thầy giáo hỏi tôi “Tại sao em lại muốn đến xứ đó? Ở đó không có quán bar, không có giải trí về đêm, không có neon lights.” Tôi đã trả lời một cách khẳng định “because I like it”. Nhiều năm sau đó tôi đã thực hiện được câu trả lời của năm xưa, để rồi bẵng đi một thời gian và cuối cùng tôi nhất định quay trở lại để truy tầm một thứ mà tôi cần phải có nhưng vẫn chưa tìm ra đáp án.
Tôi rời Hoa Kỳ xách vali trở lại Ấn Độ, một xứ sở nghèo nàn bẩn thỉu, cái nơi mà nhớ lại xưa kia một cô bạn đồng nghiệp người Pháp đã nói với tôi: “that place is not on my list”, và tôi cũng đã từng đồng ý với cô ta. Tôi xin vào học khoa ngoại ngữ tiếng Tây Tạng tại trường đại học sư phạm Sarah, nằm dưới rặng núi hy Mã lạp sơn, tứ bề là rừng rậm. Trước khi nhập học hâm hở bao nhiêu thì sau khi nhập học thê thảm bấy nhiêu. Ngày đầu tiên dọn hành lý vào phòng, tôi đã ngồi nhìn căn phòng bốn bức tường xi măng, trần nhà màng nhện giăng đầy, nền nhà tráng xi măng, kiếng cửa sổ bể nát, gió thổi phành phạch,  hình như nó không giống như trong trí tưởng tượng của tôi. Tiếng kẻng báo đến giờ ăn kêu lên inh ỏi. Tôi ôm một cái tô không đi ra cafeteria và trở về phòng cũng với một cái tô không cùng một cái bụng trống không luôn. Suốt cả tháng trời tôi bị ốm đói trầm trọng vì không thể ăn cơm Ấn Độ được. Chưa bao giờ mà tôi thèm ăn thức ăn Việt Nam tới mức kinh khủng như lúc đó. Tôi bị bệnh nằm liệt giường vì suy dinh dưỡng.  Thế là tôi phải đi sắm một tủ lạnh mini, để trong phòng, sắm 1 lò gas để tự nấu cơm ăn. Rồi cũng xong, mọi việc ổn thỏa. Tôi ở túc xá trong trường. Tiếng kẻng đánh bong bong, học sinh ở mỗi tầng lầu phải họp để chia ca lau chùi nhà vệ sinh và phòng tắm, và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi miễn cưỡng làm việc mỗi tuần một lần. Tôi, phải chùi rửa ba cầu tiêu, 3 phòng tắm mỗi tuần. Cầu tiêu bên Ấn Độ thiết kế theo kiểu chòm hõm. Đã nói là cầu tiêu công cộng thì đời nào mà sạch, nhất là phái nữ, phóng uế bừa bải, nhìn thấy là muốn buồn nôn. Buồng tắm vách tường xi măng rêu xanh bám đầy, sàn nhà tắm nhớt nhợt, đen xì, đi không cẩn thận thì sẽ té cái bạch, nói sao xui. Tôi phải miễn cưỡng lấy cây đi thọt cầu tiêu mỗi khi bị nghẹt. Tôi làm việc trong đau khổ. Nhớ lại lúc còn ở Mỹ tôi đâu có phải làm những việc như vậy, tôi buồn phiền hết biết. Và Thầy tôi đã gọi tôi. Tôi than phiền đủ điều. Thầy tôi hỏi tôi nghĩ tôi là ai? Đã có bao nhiêu hiền nhân xuất thân từ ngôi trường này, và những vị đó cũng đã từng lau chùi mấy cầu tiêu giống như tôi đang làm. Vậy tôi nghĩ tôi là ai mà bày đặt la lô? Tôi suy nghĩ miên man “ừ hé, tôi là ai? Tại sao người ta làm được mà tôi làm không được.” Thế là mỗi lần tôi chùi cầu tiêu, đỗ rác, đỗ giấy vệ sinh, những đồ dơ của phái nữ tôi tự đưa ra những lý do để khắc phục cái tôi đang nhìn thấy và cái gớm ghiết đang sắp sửa tuôn ra khỏi miệng tôi. Tôi nghĩ: “những thứ đó chẳng qua là một sản phẩm của một quá trình hóa học chemical process, và những cái đó cũng giống như cái của tôi đang có và sắp được đào thải ra khỏi cơ thể tôi.” Thế là tôi vui vẻ làm việc, không than thân trách phận nữa.
 Chín tháng sau Thầy tôi khuyên tôi chuyển trường để tiếp tục việc học.Tôi dọn vào một căn phòng  bên  ngoài trường học với không gian vừa đủ kê một chiếc giường single và một bàn học. Nhà vệ sinh nằm ở phía ngoài. Lại là cầu tiêu công cộng nữa.  Ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn thiếu nước trầm trọng, đa phần thì một tuần nước chỉ chảy một lần. Nước vàng khè, trong nước còn có nhiều chất vôi. Tôi phải mua đồ lọc nước mới dám uống. Ở đây đa số người ta bị thận có sạn. Việc không tắm gội nhiều ngày là một việc không có gì đáng ngạc nhiên ở xứ này. Có lẽ người ta sẽ ngạc nhiên khi nghe một người nào đó nói là anh ta hay chị ta tắm gội mỗi ngày. Người ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi nghe ai đó nói rằng:“ồ tôi mới tắm hôm qua, hay cách đây vài hôm.” Tôi cũng giống như dân bản xứ, nhập gia thì tùy tục. Có khi cả tuần tôi cũng chả hề động tới nước, riết rồi quen. Mãi sau này trở lại Mỹ vì có chút việc, khi nghe một cô bạn kể lại là cô ta đi camping, tối trước khi đi ngủ lấy nước mineral drinking water rửa chân, trong lòng tôi đã dâng lên một cảm giác tiếc nuối. Ông bà ta có câu “tấc đất tấc vàng”, nhưng tôi thì lại quả quyết là “một giọt nước một kí vàng”. Ở vùng Hy Mã Lạp Sơn này bạn có thể bước ra phố với tiền đô đầy ắp trong túi nhưng bạn có cơ nguy là sẽ đi ngủ với mái tóc láng bóng vì mấy ngày chưa gội đầu.  Nước không có thì nhà vệ sinh càng tệ hơn. Người ta phóng uế bừa bãi và tôi mỗi lần đi xả nước cầu thân hoặc làm việc đại sự là một lần khổ sở, tôi phải leo dốc đi xách nước ở nơi khác để lau dọn nhà cầu. Khu tôi ở có một người hàng xóm, mỗi lần đi tiêu không bao giờ chịu dội nước sạch sẽ, ngay cả khi có nước. Mà hễ mỗi lần tôi bị chột bụng là người đó đi trước tôi. Thế là tôi phải đi xách nước lau chùi trước khi sử dụng. Tôi bực mình người đó không thể tả và nghĩ trời ơi chắc tôi mắc nợ người đó kiếp trước hay sao mà kiếp này phải chùi cầu tiêu cho người đó.  Rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng. Nhà tôi ở đối diện nhà người đó. Một hôm tôi ra ngoài hành lang đứng nhìn dãy núi tuyết hùng vĩ che khuất cả một góc trời. Người hàng xóm đó cũng ra đứng ngắm trời trăng mây nước như tôi. Chúng tôi trao đổi qua lại và tôi hỏi tại sao người đó tới ở đây? Người đó trả lời là đến đây để chửa bịnh. Một chứng bịnh mà người ở vùng cao sau khi hạ sơn sống ở vùng thấp hầu hết đều mắc phải. Chứng bịnh lạnh người, lạnh từ vùng dưới lưng chỗ hai quả thận, một chứng bịnh bất trị, hành hạ người bịnh đi tiểu thường xuyên, nhức mõi quanh năm. Trong lúc nói chuyện tôi nhìn vào ánh mắt của người đó, ánh mắt đó chan chứa một tâm hồn thánh thiện. Bao nhiêu cơn giận trong tâm tôi vì phải lau chùi cầu tiêu cho người đó bao nhiêu tháng nay bỗng dưng tan biến. Tôi tự nhủ “người ta bị bệnh mà, thôi thì mình cứ làm cũng chả có sao.”
Thời gian dần trôi, tôi đã ở Ấn được bốn năm. Những hiện tượng khó nhìn đối với một người lớn lên ở phương Tây như tôi không còn nhìn khó nữa. Đống phân bò, phân chó, phân người, nước tiểu vung vãi khắp đường phố của đất Ấn không còn là một cái gì kinh hãi đối với tôi. Các hiện tượng quá quen thuộc, quen đến nổi mà ngày đầu tiên trở lại San Jose khi tới nhà người cô, bước vào phòng vệ sinh tôi đã ngạc nhiên vô cùng và thốt lên “trời ơi, nhà vệ sinh gì mà còn sạch và thơm hơn cả phòng ngủ”, tôi đã khiến cho mọi người phải phá lên cười. Tôi đón xe bus đi trong thành phố San Jose và nhận thấy xe bus của Mỹ cực kỳ sạch sẽ, mát mẻ, tài xế lịch sự, trong xe có chỗ cho người tàn tật, bước xuống xe có máy hạ thấp bậc thang cho hành khách lớn tuổi dễ bước vào xe, còn xe bus bên Ấn độ bậc thang thì rất cao, muốn leo lên được xe bus thì phải lấy hai tay nắm hai song sắt, vận dụng hết sức bình sinh để nhảy lên. Người già, trẻ em và phụ nữ mang thai thì khỏi lên luôn. Vào tới bên trong rồi thì phải chen nhau mà đứng, hơi người bốc lên hôi gần chết. Nước Mỹ thì lúc nào vẫn vậy, 30 năm trước và 30 năm sau vẫn đường phố, vẫn nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ, vẫn đường xá thênh thang nhưng tôi đã không nhận ra được mãi cho tới hôm nay. Tôi càng trân quí nước Mỹ nhiều hơn bao giờ hết nhưng tôi vẫn quyết định tiếp tục trở lại Ấn Độ để tiếp tục duy trì một thứ mà tôi đã tìm ra. Thứ mà nhân loại cần ở trên đời đó là tình thương và sự quan tâm lẫn nhau. Một thông điệp quá đơn giản, đã nghe qua nhiều lần nhưng tôi chưa hề chịu tư duy sâu sắc và chả hề nghĩ đến tầm quan trọng của nó. Có một cô bạn đã nói với tôi: “Thầy mình đa phần chẳng giảng dạy những gì khác ngoài trừ quăng Bồ Đề tâm ra quá nhiều lần.” Tâm Bồ Đề, tâm lợi tha là tâm cao quý. Tôi đồng ý với lời dạy của Thầy tôi:
“Người ta trước khi muốn dọn đến ở một nơi nào thì người ta sẽ tìm hiểu xem nơi đó láng giềng có tốt không; người ta sẽ không quan tâm đến láng giềng có cùng tôn giáo không. Người ta có thể sống không cần có tôn giáo nhưng không thể nào sống thiếu tình thương. Khi xưa bậc thánh hiền Thân Nhân Trung  có nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Trường học của nền giáo dục hiện đại là nơi đào tạo người tài. Vậy nơi nào đào tạo người hiền? Muốn có một xã hội hiền lương thì cần có người hiền lương. Muốn có người  hiền lương thì trước hết mỗi cá nhân phải là người hiền lương. Muốn là người hiền lương thì phải cần tiếp nhận những giáo huấn thiện lành. Và những giáo huấn thiện lành đó có từ đâu? Có từ Phật pháp. Phật pháp không phải là tôn giáo mà là một triết lý sống động, thực tiễn dựa trên suy luận hợp lý.”
Tâm lợi tha, tâm thương yêu là tôn giáo hoàn vũ. Đã gọi là hoàn vũ thì không phải chỉ duy có loài người mà muôn loài đều cần tới nó. Và chính Phật pháp đã dạy cho tôi những điều đó, cho nên tôi đã nói là tôi cần trở lại Ấn để tiếp tục duy trì. Tuy nhiên việc tu học ở Ấn Độ đối với người ngoại quốc là một điều khó khăn trên phương diện di trú. Muốn vào học ở các tu viện Tây Tạng cần phải có giấy phép tạm trú của Bộ Nội Vụ Ấn Độ. Giấy phép chỉ cấp cho tạm trú trong một năm hay 6 tháng, rồi phải xin giấy phép mới. Trong thời gian không có giấy phép phải dọn ra khỏi tu viện trở lại thủ đô Delhi để xin giấy phép mới và phải chờ trong vòng 3 hoặc 4 tháng, có khi không bao giờ được cấp cái mới. Việc di chuyển chi phí ăn ở rất tốn kém và nhất là học hành bị gián đoạn. Gần đây có khá nhiều người Việt Nam đến xứ Ấn học Phật pháp ở các tu viện Tây Tạng. Tất cả đều gặp phải những khó khăn tương tự. Vì một trong những lý do đó mà Cơ Sở Di Sản Phật Giáo Hy Mã Lạp Sơn (Himalayan Buddhist Heritage Foundation) đang có dự án xây dựng một Tu Học Viện Phật Giáo ở vương quốc Nepal hầu tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trên thế giới đến tu học vì xin visa ở lại Nepal dễ dàng hơn là ở xứ Ấn. Tôi xin phép lập lại việc tôi trở lại Ấn là để tiếp tục duy trì Phật pháp. Vì muốn duy trì cho nên tôi phải tiếp tục học. Nhưng đây không phải là biện pháp duy nhất. Bạn cũng có thể duy trì Phật pháp bằng cách đóng góp vào việc xây dựng tu viện. Bạn ơi, như đã nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. “Trường học đào tạo người tài. Phật pháp đào tạo người hiền.” Và tu viện là nơi đào tạo hiền nhân đó bạn. Nếu bạn đồng ý với những điều tôi nói thì xin bạn hãy đóng góp một bàn tay để giúp cho chúng tôi hoàn thành sứ mạng này. Xin mời bạn vào website: www.dipkar.com để xem chi tiết về Dự Án Hy Mã Lạp Sơn. Hoặc bạn có thể email cho tôi ở: phapdang@dipkar.com hoặc thutuhoc@yahoo.com . Trong thời gian tôi còn tại Hoa Kỳ, bạn có thể liên lạc qua số (408) 775-2246.  Sau đó tôi sẽ rời Hoa Kỳ trở lại xứ Ấn, đi giữa đường phố dơ bẩn cũng như tâm tôi mà tôi vẫn đang cố gắng lau chùi nó.
Pháp Đăng (10/2011)

2 comments:

  1. cam on ban rat, loi noi ban that chan that
    Dao la gi? la tri ,tam buong xa chan that , nhieu hieu tam ban mot lan nua cam on ban chia se

    ReplyDelete
  2. thanh that cam on ban, co mot cai tam hy sinh

    ReplyDelete