Vài ghi chú về Pho tượng Phật Giáo tạc từ một khối thiên thạch
Hoang Phong
Hoang Phong
Gần đây một mẫu tin
về một pho tượng Phật do người Đức đánh cắp của Tây Tạng từ năm 1938 vừa được
các khoa học gia phát hiện đã được báo chí khắp thế giới đăng tải. Pho tượng được
người Tây Tạng tạc vào thế kỷ XI từ một khối thiên thạch vô cùng hiếm hoi đã
rơi xuống địa cầu cách nay khoảng 10.000 năm đến 20.000 năm.
Mẫu tin nhỏ này được đưa lên một số
trang web nhằm mục đích giúp những người quan tâm về những thông tin Phật Giáo
trên thế giới, thế nhưng thật hết sức bất ngờ là lại có nhiều người đặc biệt
chú ý đến sự kiện khá "kỳ thú" này.
Hầu hết đều thắc mắc về các chữ Vaisravana và Sambhala tức là tên gọi của pho tượng, tại sao hai chân của pho tượng
lại buông thõng mà không bắt tréo vào nhau trong tư thế ngồi thiền như thường
thấy, và đồng thời ý nghĩa của chữ Vạn là gì v.v..., Do đó người viết xin mạn
phép nêu thêm vài ghi chú nhỏ với hy vọng có thể giải thích những thắc mắc này.
Trước hết là một vài chi tiết về chữ Vạn.
Dấu hiệu chữ Vạn
Chữ Vạn tiếng Phạn là Swastika , là một ký hiệu mang tính
cách thần bí và tôn giáo, được tìm thấy từ 2.500 năm đến 3.000 năm trước Tây Lịch
ở khắp nơi trên địa cầu, từ Đông sang Tây, từ Bắc Phi (Ai Cập) đến nam Thái
Bình Dương (Úc Châu) và cả Mỹ Châu. Tóm lại đây là một trong số các dấu hiệu "tôn
giáo" phổ biến và lâu đời nhất của nhân loại. Ở Á Châu thì ký hiệu này đã từng
được nhiều tôn giáo sử dụng, chẳng hạn như đạo Ja-in, Ấn
Giáo và Phật Giáo. Ngày nay dấu hiệu này vẫn còn thấy nhan nhản khắp nơi, nhất
là ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, v.v... Các "tôn giáo mới" chẳng hạn
như đạo Cao Đài, Phá Luân Công... cũng sử dụng ký hiệu này.
Theo Ấn Giáo thì chữ Vạn
có hai ý nghĩa khác nhau tùy vào hướng quay của chữ này: quay sang phải thì
mang ý nghĩa một sự thăng tiến (Pravitti),
quay sang bên trái thì sẽ biểu trưng cho một sự hủy diệt (Nivriti). Thế nhưng việc xác định hướng quay cũng rất dễ bị lầm lẫn,
thí dụ cùng một chữ Vạn thế nhưng nếu căn cứ vào góc nhọn hay vào đầu của mỗi
nhánh của chữ Vạn để định hướng thì tất sẽ có hai hướng quay trái ngược nhau (xem
H. 1 và 2).
Tóm lại chữ Vạn xuất
hiện khắp nơi và thuộc vào nhiều nền văn hóa và sắc tộc khác nhau, do đó ý
nghĩa, cách hiểu và mục đích sử dụng của chữ này cũng rất phức tạp và đa dạng.
Theo truyền thống thì chữ Vạn của Phật Giáo, nếu căn cứ vào đầu mỗi nhánh để định
hướng thì sẽ quay theo hướng trái (xem hình trên ngực của pho tượng). Thiết
nghĩ chỉ cần ghi nhớ quy ước này cũng đủ, ít ra là có thể nhờ đó để phân biệt
chữ Vạn của Phật Giáo với chữ Vạn của Đức Quốc Xã, vì chữ Vạn của Đức Quốc Xã quay
theo hướng phải.
H.1 |
H.3: Một số các kiểu chữ Vạn thuộc các truyền thống văn hóa, tín ngưỡng và địa phương khác nhau
|
Các vị thần linh
Vaisravana và Sambhala có đúng là các nhân vật biểu trưng bởi pho tượng hay
không
Trước nhất có lẽ cũng nên xác định
xem pho tượng có đúng là một pho tượng Phật Giáo hay không. Có ba chi tiết chính
mà trước nhất là về vầng hào quang trên đầu pho tượng. Phổ Diệu Kinh cho biết là sau khi đạt được Giác
Ngộ thì trên đầu của thái tử Tất-đạt-đa hiện ra một vầng hào quang rạng rỡ. Kinh
Trung A Hàm (Majjhima Nikaya, 26) kể rằng sau khi thành Phật thì Đức Phật đi đến
thành Ka-thi (Kashi, ngày nay là Vanarasi hay Ba-la-nại) để tìm lại năm vị đồng
tu trước đây. Trên đường có một vị sa-môn trẻ tuổi theo đạo Ja-in đi ngược chiều
với Đức Phật và bỗng để ý thấy trên đầu Ngài toả ra một vầng hào quang thật
sáng, bèn lấy làm lạ và hỏi Ngài là môn đệ của ai và tu tập theo Giáo Lý nào...
Tóm lại vầng hào quang là một biểu hiệu đặc thù của Phật Giáo và cũng đã được tạc
nơi đầu của các pho tượng Phật đầu tiên phát hiện vào thế kỷ thứ nhất trước Tây
lịch. Sau này các tượng ảnh biểu trưng cho các nhân vật của một vài tôn giáo
khác cũng thấy có các vầng hào quang như thế và đấy cũng chỉ là một sự vay mượn
của Phật Giáo. Chi tiết thứ hai là chữ Vạn khắc trên ngực của pho tượng cũng
cho biết đấy là một pho tượng Phật Giáo. Chi tiết thứ ba là pho tượng đội một
cái mũ tiêu biểu cho các vị đại sư và thánh nhân Tây tạng, chi tiết này tất
nhiên cho thấy đây là một pho tượng Tây Tạng. Thế nhưng pho tượng biểu trưng
cho nhân vật nào trong Phật Giáo? Có đúng đấy là vị Vaisravana hay Jambhala
như trong bản tin do báo chí nêu lên hay không?
Vaisravana
là tiếng Phạn, được dịch sang tiếng Hán là Đa Văn Thiên Vương, còn gọi là Bắc
Phương Thiên Vương, tức là vị Hộ Pháp thứ nhất trong số Tứ Đại Thiên Vương, giữ
vai trò trấn giữ phương Bắc.
H.1- Vaisravana Tây Tạng (Namthöse):
ngồi trên lưng của một con sư tử tuyết (thế kỷ XV, bảo tàng viện Guimet, Paris)
|
H.2 - Vaisravana Trung Quốc
(Đa Văn Thiên Vương / Duo Wen Tian Wang): tay phải cầm thương, tay trái cầm một
bảo tháp. Các pho tượng thuộc vào loại này rất thường thấy ở các ngôi chùa
Trung Quốc.
|
H.3 - Vaisrarana Nhật Bản (Damon-ten):
(chùa Todai-ji, thế kỷ thứ VIII)
|
H.4 - Vaisravana Hàn Quốc
(Damun Cheonwang): (chùa Pyochungsa, gần thị trấn Miryang)
|
Vị Vaisravana còn được gọi là Jambhala
hay Kubera (hai chữ này đều là tiếng
Phạn), tiếng Tây tạng là Namthöse, tiếng
Nhật là Damon-ten, tiếng Hàn Quốc là Damun Choenwang, tiếng Thái là, Thao Kuwen). Khái niệm về Tứ Đại Thiên
Vương khá phổ biến tại các quốc gia trên đây. Người Trung
Quốc tạc tượng vị Vaisravana dưới hình
tướng của một thần linh thật oai phong, mặc áo giáo, tay phải cầm một cây thương
hay đinh ba, tay trái cầm một bảo tháp nhỏ tượng trưng cho trọng trách bảo vệ Đạo
Pháp của mình. Tại các nước khác vị này được biểu trưng với một vài nét thay đổi
nhỏ, thế nhưng tuyệt nhiên không có một vị nào giống với pho tượng tạc bằng thiên
thạch vừa được khám phá ở Đức, nói một cách khác là pho tượng này không hội đủ
các tiêu chuẩn cần thiết để xác định đấy là vị Vaisravana.
Như vậy thì pho tượng
mà người Đức đã đánh cắp của Tây Tạng vào năm 1938 biểu trưng cho nhân vật nào
trong Phật Giáo? Chi tiết nổi bật nhất của pho tượng là đôi chân không tréo vào
nhau trong tư thế ngồi thiền mà lại có vẻ như buông lơi: một chân gập lại và một
chân buông thõng. Tiếng Phạn gọi tư thế này là bhadrasana, một tư thế sẵn sàng để đứng lên. Đấy là cách biểu trưng
rất độc đáo cho Phật Di Lặc. Đôi khi các pho tượng Di Lặc cũng được trình bày
ngồi trên ghế hay trên bục với hai chân buông thẳng, và các học giả Tây Phương thì
thường gọi đấy là "cách ngồi của người Tây Phương" trên một chiếc ghế.
Thật vậy, Phật Di Lặc là vị Phật tương lai luôn được tạc trong tư thế ngồi chờ
với hai chân sẵn sàng đứng lên để cứu độ chúng sinh. Có rất ít các pho tượng Di
Lặc được tạc trong tư thế đứng thẳng, chỉ có một vài pho tượng được tìm thấy
trong vùng Gandhara (thế kỷ thứ II và III) thuộc Pakistan ngày nay, hoặc một số
nhỏ các pho tượng Di Lặc Thái Lan là được tạc trong tư thế đứng thẳng. Cách tạc
tượng biểu trưng cho một sự "chờ đợi" và đồng thời cũng "sẵn
sàng" đứng lên này cũng là một sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật tạo hình
Phật Giáo.
Vài hình ảnh Phật Di Lặc
(Các hình tượng Phật Di Lặc đều
được tạc ngồi trên ghế hay trên bục với đôi chân buông thõng, hoặc một chân co
một chân duỗi trong tư thế sẵn sàng đứng lên. Xin lưu ý là Phật Di Lặc Trung Quốc
trong các thời cận đại đã bị biến dạng và trở thành khá giống với một ông Thần
Tài, xin xem hình 6 và 7. H.1- Phật Di Lặc Sarnath - Ấn Độ, thế kỷ thứ V; H.3-
Phật Di Lặc Hàn Quốc; H.6- Phật Di Lặc Trung Quốc, hang Vân Cương, thế kỷ thứ
V-VI; H.7- Phật Di Lặc tạc trong vách núi ở Feilai Feng, Hàng Châu)
Tóm lại có thể kết luận
rằng pho tượng bằng thiên thạch của Tây Tạng tạc vào thế kỷ XI là một pho tượng
Di Lặc. Một số các chi tiết khác cũng củng cố thêm cho sự xác định này, chẳng hạn
như vầng hào quang trên đầu và chữ Vạn trên ngực chỉ được sử dụng để biểu trưng
cho các vị Phật và các vị Bồ-tát đắc đạo và không bao giờ được dùng để chỉ định
các vị thần linh. Bàn tay phải của pho tượng được tạc để ngữa, đấy là cách biểu
trưng cho sự bố thí và lòng từ bi, bàn tay trái thì cầm một cái bình đựng nước "cam
lồ" dùng để cứu độ chúng sinh. Hai trọng trách này không thuộc vào bổn phận
của các vị thần linh như Tứ Đại Thiên Vương chẳng hạn.
Một vài cảm nghĩ
thay cho lời kết
Theo truyền thuyết thì
Đức Di Lặc chỉ là một vị Bồ-tát sắp thành Phật đang ngụ ở cung trời Đâu Suất
(Tusita) chờ đúng lúc để nhập thế hầu cứu độ chúng sinh. Thế nhưng đến khi nào
thì Phật Di Lặc sẽ hiện xuống thế gian này? Kinh sách không thống nhất về thời
điểm ấy. Một số người cho rằng Phật Di Lặc sẽ hiện xuống địa cầu khoảng 30.000
năm sau khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tịch diệt, một số khác thì lại nghĩ rằng
phải chờ đến 3 tỉ 920 triệu năm. Con số này có thể là hơi phóng đại, bởi vì tuổi
của địa cầu theo các nhà khoa học cho biết là 4,55 tỉ năm và con người ngày nay
chỉ mới được hình thành khoảng hai triệu năm trở lại đây mà thôi. Vậy nhân loại
có hội đủ "kiên nhẫn" để chờ đợi thêm … gần 4 tỉ năm nữa để có thể trông
thấy Đức Phật Di Lặc hay không?
Tất cả đều vô thường,
mọi hiện tượng luôn chuyển động, trong một tương lai gần hay xa nhân loại rồi cũng
sẽ không còn nữa, địa cầu này cũng sẽ bị tàn phá, tài nguyên sẽ kiệt quệ hay biết
đâu cũng có thể sẽ nổ tung trước thời hạn quá dài trên đây? Cách suy nghĩ như
thế thiết nghĩ cũng không đến đỗi nào quá yếm thế mà chỉ là một cảm nghĩ đối với
hiện thực của một người hiểu được lời Phật dạy là gì.
Các nhà khoa học cho rằng
một khối thiên thạch vô cùng hiếm hoi đã rơi xuống địa cầu cách nay khoảng
10.000 đến 20.000 năm. Trên phương diện địa chất học thì quả thật hết sức khó để
định tuổi chính xác một khối thiên thạch đã rơi xuống địa cầu vào lúc nào. Thế
nhưng người ta có thể biết đích xác là khối thiên thạch ấy đã được tạc thành một
pho tượng của Phật Di Lặc vào thế kỷ XI.
Đức Đạt-lai Lạt-ma rời
Tây tạng vào năm 1959 và đã nêu cao Đạo Pháp trên toàn thế giới. Pho tượng Di Lặc
được tạc bằng thiên thạch, chân cao chân thấp đã từng ngồi chờ từ 1.000 năm nay
ở một nơi nào đó trên đất Tây Tạng và đã không còn ngồi chờ thêm nữa mà lại vừa
mới xuất hiện giữa xã hội loài người trong thế giới Tây Phương. Có phải đây là
một biến cố mới đánh dấu một giai đoạn mới cho xứ Tây Tạng và mang lại một niềm
hy vọng nào đó cho những người Phật Giáo nói chung hay không?
Hoang
Phong
Bures-Sur-Yvette, 08.10.12
No comments:
Post a Comment